Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chỉ thị, Công điện về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, trong đó giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chủ động nắm bắt tình hình để đề xuất, triển khai các biện pháp nhằm quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối và vàng.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị các Bộ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý thị trường. Khẩn trương thực hiện các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ về ngoại hối và vàng.
"Đặc biệt là các hoạt động về thu đổi ngoại tệ; nhận và chi trả ngoại tệ; chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai không đúng quy định; các hoạt động mua, bán vàng miếng của các cửa hàng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả. Phối hợp cung cấp thông tin về các vụ việc, trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép ngoại tệ và vàng qua biên giới để Ngân hàng Nhà nước kịp thời triển khai phương án quản lý thị trường ngoại hối và vàng hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị 3 Bộ phối hợp tăng cường quản lý thị trường vàng.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có công văn gửi Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc quản lý thị trường ngoại hối và vàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thống đốc yêu cầu giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện tăng cường quán triệt, yêu cầu các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, được phép kinh doanh ngoại hối, kinh doanh mua bán vàng miếng trên địa bàn chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật có liên quan về quản lý ngoại hối, quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn (công an, quản lý thị trường, thuế...) tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và vàng... Thường xuyên theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường ngoại hối và vàng trên địa bàn để kịp thời có biện pháp xử lý thích hợp, hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước (Vụ quản lý ngoại hối) để phối hợp xử lý.
Với các UBND các tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị tăng cường phổ biến, quán triệt đến các cơ quan, ban ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và vàng.
Hiện nay đang lan truyền thông tin thất thiệt về việc Ngân hàng Nhà nước thiếu vàng để bán. Tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường. Đồng thời với việc duy trì cung ứng vàng miếng SJC để đáp ứng các nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân, Ngân hàng Nhà nướ cũng sẽ chủ động triển khai các giải pháp để đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng đầu cơ, gom hàng.
Bên cạnh đó, việc thanh tra để làm rõ các sai phạm nếu có của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng cũng đang được khẩn trương, quyết liệt triển khai, đặc biệt là ở 2 địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường, kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp. Người dân cần đề cao cảnh giác, tránh bị tác động, lợi dụng bởi các đối tượng có dụng ý xấu.
Trong phiên giao dịch ngày 7/6, giá bán vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC giữ nguyên so với phiên trước ở mức 75,98 triệu đồng/ lượng. Do đó, giá vàng SJC tại 4 ngân hàng, Công ty SJC và các cơ sở kinh doanh vàng khác cũng giữ ở mức 76,98 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!