Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Do đó, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 19/6/2023.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm hàng loạt lãi suất điều hành từ ngày 19/6. Ảnh minh họa.
Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Đây là lần thứ tư liên tiếp kể từ trung tuần tháng 3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành. Ba lần trước là các ngày 14/3, 31/3 và ngày 23/5/2023.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc hạ lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống khiến chi phí sử dụng dòng vốn thấp, từ đó, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nhiệp. Người dân có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn bởi chi phí vay vốn thấp. Hiện tượng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho doanh nghiệp.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp lớn mà Thường trực Chính phủ nêu ra đó là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ, khẩn trương có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất.
Trong đó, yêu cầu đặt ra bao gồm giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6 và định hướng giảm lãi suất huy động, cho vay đối với khách hàng nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, ngành ngân hàng phải khắc phục hiệu quả ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!