Ngân hàng RBS “bức doanh nghiệp đến phá sản”

Thanh Hoa-Thứ ba, ngày 26/11/2013 16:16 GMT+7

 Ngân hàng hàng đầu của Anh RBS vừa bị cáo buộc sử dụng chiêu trò để bức các doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình trạng phá sản để từ đó mua lại doanh nghiệp với giá hời.

Thông tin này ngay lập tức nhận được sự chú ý của dư luận và giới chuyên gia, bởi người ta không ngờ sau những tai tiếng đáng sợ quanh vụ thao túng lãi suất Libor, ngân hàng này vẫn còn có những hành động đáng lên án đến vậy.

Thao túng lãi suất Libor, chuyện làm ăn gian dối động trời của RBS vẫn chưa nguôi ngoai, thì giờ đây ngân hàng này lại tiếp tục hứng chịu búa rìu dư luận khi mà chỉ mới hôm qua, doanh nhân Lawrence đã cáo buộc RBS cố tình đẩy nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đến bờ vực phá sản.

Theo tố cáo của Lawrence, bộ phận xử lý vay nợ của RBS được giao nhiệm vụ tìm mọi cách đưa các khoản nợ của doanh nghiệp vào danh mục nợ xấu, nợ nguy hiểm, rồi từ đó áp lãi suất phạt thật cao, tính phí thật nặng lên các khoản vay. Lãi cao, phí nặng, doanh nghiệp không thể trả nợ dẫn tới phá sản và RBS chỉ việc mua lại với giá khá hời.

Cáo buộc cũng chỉ ra rằng, RBS rất biết cách làm xấu hồ sơ của doanh nghiệp. Thậm chí với những lỗi kỹ thuật rất nhỏ như chậm nộp thông tin tài chính, nhưng RBS đã biết cách phóng đại thành những sai phạm lớn. Và hệ quả là doanh nghiệp phải chịu những khoản phí cắt cổ cho những sai lầm nhỏ như thế.

Lawrence dẫn bằng chứng, một doanh nghiệp đã phải nộp tới 40.000 bảng Anh để được gia hạn thời gian vay. “Tôi nhận được hàng tá khiếu nại của các doanh nghiệp về cách RBS đã cho họ vào rọ. Nhiều doanh nghiệp mới đầu hoạt động rất tốt, nhưng sau khi bắt tay với RBS đều gánh thất bại, phải bán hết tài sản của công ty. RBS thực sự đã hủy hoại sự nghiệp kinh doanh, thậm chí cả cuộc sống của rất nhiều người”.

Báo cáo của người từng giữ cương vị Thống đốc ngân hàng Anh cũng đã chỉ ra những nghi vấn xoay quanh hành vi sai trái của RBS. Theo vị này, câu chuyện “buộc doanh nghiệp” đi đến con đường phá sản có thể không chỉ diễn ra từ vài năm trở lại đây, mà đã tồn tại từ nhiều năm trước. Còn theo Mike Ingram, chuyên gia đến từ quỹ BGC cảnh báo, vụ việc của RBS cho thấy một lỗ hổng lớn trong quản lý của hệ thống ngân hàng Anh.

“Đã một thời, tiền đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn chiếm phần lớn trong nguồn huy động của các ngân hàng Anh, nhưng bây giờ nó đã giảm thấp kỷ lục từ năm 1955, chứng tỏ phải có lý do nào đó khiến cho các doanh nghiệp dè dặt đổ tiền đầu tư vào ngân hàng”, ông Mike Ingram, chuyên gia quỹ BGC nói.

Bộ trưởng tài chính Anh Gorge Osborne cho biết, ông hoàn toàn sốc trước thông tin trên. Trả lời trên kênh kênh truyền hình ITV, ông khẳng định sẽ quyết tìm ra chân tướng vụ việc để chấn chỉnh và vực dậy danh tiếng của hệ thống ngân hàng Anh. Cũng theo thông tin mới cập nhật, ngân hàng RBS đã thuê những luật sư giỏi nhất để đi theo vụ kiện này. Có điều, RBS xem ra có vẻ yếu thế hơn khi mà những bằng chứng đều cho thấy RBS khó thoát trách nhiệm trong vụ việc này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước