Ngân sách dự kiến “trợ lực” hơn 1.500 tỷ cho các hãng bay

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 27/11/2021 14:08 GMT+7

VTV.vn - Trong dự thảo Nghị quyết lần này, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay.

Nếu được thông qua, đây sẽ là động lực quan trọng nhằm tăng năng lực tài chính cho các hãng bay vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.585 tỷ đồng, gồm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng.

Ngân sách dự kiến “trợ lực” hơn 1.500 tỷ cho các hãng bay - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay trong năm 2022 để hỗ trợ ngành hàng không. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Tính toán trên cơ sở sản lượng nhiên liệu bay tiêu thụ bình quân từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2021 trong cả giai đoạn từ khi xảy ra đại dịch đến nay khoảng 80 triệu lít/tháng", dự thảo nêu rõ.

Dù vậy nhưng theo Bộ Tài chính, chính sách này sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp hàng không vận hành hoạt động trong bối cảnh suy yếu về dòng tiền, âm về thanh khoản.

Không chỉ đóng vai trò huyết mạch trong hệ thống giao thông vận tải, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thúc đẩy phát triển một số ngành nghề khác như dịch vụ, thương mại, đặc biệt là du lịch.

Do đó, theo Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống còn 1.500 đồng/lít sẽ góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác.

Ngoài ra, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay không ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường do chính sách chỉ áp dụng trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19 nên Bộ này khẳng định sẽ không làm gia tăng mức tiêu thụ nhiên liệu bay.

Bên cạnh đó, thời gian qua do thực hiện chính sách giãn cách xã hội nên ngành hàng không phải hạn chế hoạt động, thậm chí có thời điểm gần như "đóng băng". Do đó, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021 chưa thể phát huy hết mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp.

Thực tế, số thu thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ tháng 8/2020 đến tháng 9/2021 mới giảm tổng cộng 1.072 tỷ đồng.

Theo dự báo, tình hình dịch bệnh có thể còn kéo dài trong khi khả năng tài chính của các doanh nghiệp vận tải hàng không hiện nay hết sức khó khăn, sẽ khiến quá trình phục hồi diễn ra chậm hơn.

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, dự báo lỗ năm 2021 sẽ lớn hơn khoản lỗ 16.000 tỷ của năm 2020, số tiền nộp ngân sách giảm khoảng 10.000 tỷ đồng. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, để phát huy mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch CoOVID-19 trong giai đoạn tiếp theo, khi hoạt động kinh doanh trở về trạng thái bình thường mới, cần thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2022.

Dự kiến quy định về giảm thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay sẽ thực hiện từ 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Đề xuất khai thác bay nội địa bình thường từ đầu năm 2022 Đề xuất khai thác bay nội địa bình thường từ đầu năm 2022

VTV.vn - Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tăng tần suất khai thác các đường bay nội địa từ 1/12 tới và khai thác trở lại bình thường đường bay nội địa từ năm 2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước