Nhu cầu sử dụng bao bì đóng gói cho thực phẩm của Việt Nam sẽ tăng trên 45% trong 5 năm tới. Dự báo này được đại diện Liên đoàn kỹ thuật Đức đưa ra trên Thời báo kinh doanh cho thấy tiềm năng lớn từ ngành công nghiệp đóng gói bao bì của Việt Nam. Hàng loạt các nhà đầu tư ngoại đang đổ vốn vào thị trường này. Trung Quốc, Đức, Italy là những quốc gia dẫn đầu về lượng nhập khẩu máy móc đóng gói bao bì thực phẩm vào Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội công nghiệp bao bì cho rằng, khi nông sản Việt được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU… ngày càng nhiều thì ngày càng đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm, nên các nhà sản xuất cũng phải đảm bảo mặt đóng gói và các thông tin trên bao bì về chất lượng, tính an toàn của sản phẩm.
Thực tế cũng đã chứng minh "Nông sản Việt khó tiêu thụ tại thị trường lớn vì bao bì". Tờ Kinh tế nông thôn đưa ra con số: Hai sản phẩm có chất lượng và thành phần như nhau nhưng khi trưng bày trên kệ hàng, sản phẩm nào có bao bì đẹp hơn, thu hút được khách hàng hơn sẽ có doanh số bán ra gấp 2,6 lần so với sản phẩm bên cạnh. Thậm chí, khách hàng không hề đọc nội dung trên bao bì để biết chất lượng hai sản phẩm là giống nhau. Rõ ràng "Yêu từ cái nhìn đầu tiên" là có thật, ít nhất là đúng với mẫu bao bì sản phẩm.
Nghiên cứu cũng cho thấy, bao bì đóng góp đến 45% vào mức tăng doanh số của các doanh nghiệp. Nhiều công ty đã liên tục đổi mới mẫu mã sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Thậm chí, công ty quảng cáo đó là sản phẩm mới, chất lượng mới, nhưng thực chất đó chỉ là sản phẩm cũ nhưng được thay đổi kiểu dáng và kích cỡ của bao bì, giống như "bình mới mà rượu cũ".
Ngành công nghiệp đóng gói bao bì Việt Nam có mức tăng trưởng 15-20% nhưng thị phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, nhất là các loại bao bì đòi hỏi chất lượng cao.
Vậy làm sao để phát triển ngành công nghiệp bao bì? Báo Sài Gòn Giải phóng nhấn mạnh tới các yếu tố đầu vào. Nguyên liệu phải sạch, máy móc, công nghệ cần thân thiện với môi trường, kỹ thuật cao để có thể đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra thông tin, chất lượng, quy trình sản xuất.
Tuy nhiên, khó khăn lớn của các doanh nghiệp Việt lại là vấn đề vốn để đầu tư được dây chuyền máy móc chất lượng cao. Đơn cử, Theo tờ Kinh tế nông thôn, doanh nghiệp Việt không chỉ yếu ở việc đóng gói các trọng lượng nhỏ như 80g, 150g hay 200g, mà các dòng sản phẩm bán theo dạng nguyên liệu cần đóng các gói lớn dạng 500kg hay 1 tấn doanh nghiệp Việt cũng khó thực hiện. Và trong lúc chờ đợi doanh nghiệp Việt cải tiến công nghệ, các đại gia nước ngoài đã nhanh chân nắm giữ và chiếm thị phần chi phối.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!