Ngành Công Thương Hà Nội đề xuất giảm 37 loại phí, lệ phí

TTXVN-Thứ tư, ngày 02/09/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sở Công Thương Hà Nội đã đề xuất giảm 37 loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực Công Thương; trong đó đề xuất 6 loại phí, lệ phí giảm 66,7%; 1 loại giảm 57%...

Chiều 1/9, tại buổi họp Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn, triển khai các cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và ứng phó với dịch COVID-19 của Sở Công Thương Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, qua nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội, Sở đã đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế, nguồn vốn vay cho doanh nghiệp.

Cụ thể, Sở Công Thương Hà Nội đã đề xuất giảm 37 loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực Công Thương; trong đó đề xuất 6 loại phí, lệ phí giảm 66,7%; 1 loại giảm 57%; 27 loại giảm 50%; 1 loại giảm 30%; 2 loại giảm 20%.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì, phối hợp trình UBND thành phố xem xét quyết định thành lập mới 24 cụm công nghiệp, đưa tổng số cụm công nghiệp được thành lập từ năm 2018 đến nay là 43 cụm công nghiệp. Sở cũng đã tổ chức các hội nghị, làm việc tại các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các cụm đang đã thành lập và các cụm mới có quyết định thành lập.

Ngành Công Thương Hà Nội đề xuất giảm 37 loại phí, lệ phí - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.

Sở Công Thương Hà Nội tổ chức khảo sát, đôn đốc, nắm bắt tình hình của các đơn vị sản xuất các trang thiết bị cho ngành y tế, phục vụ phòng, chống dịch và đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tìm đối tác cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang. Song song với đó, Sở đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, đơn vị kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn thành phố phối hợp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản của các tỉnh, thành phố có nguy cơ dư nguồn cung do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Đáng chú ý, về đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp thực hiện được mục tiêu 100% các thủ tục hành chính của sở được rà soát để tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.

Bên cạnh đó, Sở cũng hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến, chưa tổ chức thẩm định thực tế (thay bằng bản tự báo cáo của doanh nghiệp) để cấp giấy chứng nhận đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong thời gian diễn ra dịch bệnh và thực hiện hậu kiểm sau khi hết dịch.

Ngành Công Thương Hà Nội đề xuất giảm 37 loại phí, lệ phí - Ảnh 2.

Dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Ảnh minh họa

Về hoạt động kết nối giao thương của thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với ngành Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động kết nối cung, cầu, cung cấp thông tin danh sách thông tin chi tiết về sản phẩm nông sản, hàng hóa của các tỉnh, đặc biệt hàng hóa có khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng dịch COVID-19 (thủy hải sản Quảng Ninh; cá nước lạnh Lào Cai...) đến các doanh nghiệp phân phối, chế biến Hà Nội. Sở Công Thương đã hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh Lào Cai vào các kênh phân phối Hà Nội (Big C, Vinmart...).

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trong thời gian qua, trước diễn biến bất thường và phức tạp của dịch COVID-19, thành phố đã chủ động theo dõi từ sớm diễn biến của dịch, xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời 4 phương án đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa ứng phó với các thay đổi của dịch.

Theo đó, thành phố đã huy động, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố đảm bảo dự trữ 17 nhóm hàng hóa thiết yếu trong 3 tháng của quý III/2020 với tổng trị giá hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng, đồng thời xây dựng phương án dự trữ thêm một lượng hàng hóa phục vụ các tỉnh/thành phố trong vùng Đồng bằng Bắc bộ với trị giá hàng hóa khoảng 21.500 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của các đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tăng cường dự trữ hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu lượng dự trữ tăng 2-5 lần nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người dân trong mùa dịch. Các doanh nghiệp cũng chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.

Thời gian tới, bên cạnh việc chỉ đạo các doanh nghiệp vừa tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh vừa đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra công tác bảo đảm hàng hóa, bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố, kết hợp tuyên truyền, phổ biến tới các tổ chức, cá nhân về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gắn với công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi sản xuất kinh doanh trái pháp luật, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức trong dịch bệnh, lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam để trục lợi, kinh doanh, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... Từ đó góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững..

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước