6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đã đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2023. 17 hiệp định thương mại FTA mà Việt Nam tham gia đang tạo lợi thế, giúp ngành tận dụng, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Các doanh nghiệp đang chuyển đổi số, nghiên cứu phát triển sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giá thành từ các nhà nhập khẩu, góp phần vào mục tiêu xuất khẩu 27 tỷ USD trong năm nay.
Nếu như trước đây, việc thiết kế và sản xuất phụ kiện cho các sản phẩm giày dép của Công ty Giày Viễn Thịnh phụ thuộc vào nhập khẩu, thì nay doanh nghiệp này đã làm chủ ở tất cả các công đoạn sản xuất, qua đó giúp doanh nghiệp giảm 10% giá thành sản xuất cho mỗi sản phẩm xuất khẩu.
Còn với Công ty Giày Thái Bình, với việc đã chủ động trong khâu thiết kế, chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu… đã giúp doanh nghiệp đáp ứng mọi yêu cầu về mẫu mã, giá thành sản phẩm từ phía các nhà nhập khẩu. Qua đó sẽ hoàn thành đơn hàng 50 triệu đôi giày xuất khẩu trong năm nay.
6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đã đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa.
Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đang cùng các doanh nghiệp cố gắng tận dụng tốt nhất khoa học, công nghệ cũng như quá trình đổi mới quản lý bằng công nghệ 4.0, để làm sao đưa năng suất lao động, cũng như chuỗi cung ứng của ngành da giày Việt Nam càng ngày càng đồng tốc với các thương hiệu lớn trên thế giới".
Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng gần 6% so với cùng kỳ. Việc thay đổi phương thức sản xuất đang mở ra kỳ vọng sản xuất của toàn ngành, sẽ tăng mạnh trong những tháng tới, hướng tới đạt kim ngach xuất khẩu 27 tỷ USD trong năm nay. Có thể nói việc đổi mới phương thức sản xuất, thay đổi công nghệ sẽ là yêu cầu đặt ra đối với toàn ngành để đạt được mục tiêu tăng trưởng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!