Ngành da giày kêu khó với "3 tại chỗ"

Trịnh Huyền-Thứ hai, ngày 02/08/2021 12:46 GMT+7

VTV.vn - Thay đổi phương án sản xuất, kết hợp thêm các biện pháp phòng dịch là giải pháp ngành da giày đang định hướng thay đổi.

Nếu 7 tháng đầu năm nay, ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 14,2 tỷ USD, tăng 25,3% và đang trên đà tiếp tục tăng trưởng, thì thời điểm hiện tại, ngành này đối mặt nỗi lo xu hướng xuất khẩu sẽ giảm xuống, trong các tháng cuối năm, do tác động của đại dịch COVID-19, 80% nhà máy tạm dừng hoặc phải giảm năng suất lao động.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định đã ký đơn hàng với khách hàng đến hết tháng 12, nhưng dịch bệnh khiến khó khăn chồng chất: nguyên vật liệu về chậm, giá tăng 10 - 30%; vận chuyển khó khăn; thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" không phù hợp do mật độ lao động dày đặc.

"Nếu dịch bệnh kéo dài, đơn hàng sẽ không thực hiện được, hoặc chậm trễ, khách hàng sẽ cắt đơn hàng. Vì vậy, doanh nghiệp phải bồi thường cho khách hàng. Sau dịch khả năng mất đơn hàng là rất lớn, để khôi phục lại hết sức khó khăn", Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định Nguyễn Chí Trung cho hay.

Ngành da giày kêu khó với 3 tại chỗ - Ảnh 1.

Do tác động của đại dịch COVID-19, 80% doanh nghiệp da giày tạm dừng hoặc phải giảm năng suất lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong khi đó, với Công ty giày Thành Bách, dù có công ty mẹ ở Trung Quốc, tuy nhiên nguồn cung cấp nguyên vật liệu vẫn bị hạn chế do tình hình dịch bệnh. Trước đây, mỗi năm công ty xuất khẩu 6 triệu đôi giày, năm nay đã qua nửa năm, công ty mới xuất khẩu được 2 triệu đôi, đầu vào và đầu ra đều gặp nhiều khó khăn.

"Đơn giá bị giảm xuống do chi phí đầu vào khó khăn, đầu ra thì nhân công cũng bị trở ngại. Tìm được nhân công đi làm đã khó, bây giờ nhân công đi làm cũng không đi làm được vì ảnh hưởng dịch bệnh. Các thị trường xuất khẩu lại đang bị thu hẹp lại", bà Phạm Mỹ Hạnh, đại diện Công ty giày Thành Bách, chia sẻ.

Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, dù hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng đến cuối năm, nhưng rất nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp khó giữ tiến độ giao hàng cũng như duy trì lực lượng công nhân. Hiệp hội này cho rằng việc thực hiện biện pháp "3 tại chỗ" không phù hợp với ngành da giày, không đảm bảo phòng dịch bệnh do đặc thù ngành rất đông công nhân.

"Chúng tôi đã cùng các nhãn hàng quốc tế bàn thảo và sẽ kiến nghị lên Chính phủ. Thứ nhất là đẩy mạnh khả năng tự test nhanh trong nội bộ các nhà máy để duy trì sản xuất theo mô hình 2 tại chỗ. Thứ hai là mua vaccine, doanh nghiệp sẵn sàng chung tay cùng với Nhà nước để có nguồn kinh phí tiêm miễn phí cho người lao động", Phó Chủ tịch, Tổng Thư Ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Phan Thị Thanh Xuân nhận định.

Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, ngành da giày sẽ có cơ hội thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, giữ được mục tiêu khoảng 22 - 23 tỷ USD năm nay.

Chi phí quá cao, doanh nghiệp đuối sức với '3 tại chỗ' Chi phí quá cao, doanh nghiệp đuối sức với "3 tại chỗ"

VTV.vn - Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, chi phí thực hiện mô hình “3 tại chỗ” đang là áp lực với nhiều doanh nghiệp.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước