Thách thức triển khai mô hình “3 tại chỗ” ổn định sản xuất

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 23/07/2021 06:28 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn chưa từng phải đối mặt, các doanh nghiệp đang gặp nhiều thách thức khi triển khai mô hình “3 tại chỗ”.

Doanh nghiệp càng quy mô áp lực càng lớn

Nếu so với con số 320.000 công nhân làm việc tại TP Hồ Chí Minh trong điều kiện bình thường thì số lao động đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" khá khiêm tốn - chỉ hơn 1/3. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nguyên liệu, chi phí logistics tăng, việc phải lo thêm chi phí ăn, ở, xét nghiệm cho người lao động khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Tại một công ty may mặc, phòng họp, căn tin… ban ngày dùng làm việc, sinh hoạt chung, buổi tối co lại tận dụng làm chỗ ngủ cho công nhân. Mỗi chỗ nghỉ cách nhau tối thiểu 2m. Tuy nhiên, công ty chỉ có thể đáp ứng được 50% lượng công nhân ở lại làm việc. Trong khi đây là thời gian cao điểm để hoàn thiện nốt các đơn hàng đã ký.

Bà Lê Nguyên Trang Nhã - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Viking Việt Nam cho biết: "Trong điều kiện như hiện nay thì 100% là chuyện không thể, do đó chỉ có thể là 50%, lúc đó tuỳ thứ tự ưu tiện khách hàng một số đơn hàng bất đắc dĩ chúng tôi phải huỷ".

Thách thức triển khai mô hình “3 tại chỗ” ổn định sản xuất - Ảnh 1.

Công nhân đảm bảo ngồi giãn cách trong giờ ăn giữa ca phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Báo ĐT ĐCSVN.

Còn đối với một công ty sản xuất nước giải khát, mặc dù có lợi thế về diện tích để làm khu lưu trú hay nguồn thực phẩm nhưng chi phí xịt khử trùng, vệ sinh nhà máy bị đội lên 5 lần so với trước. Chưa kể, chi phí nguyên liệu đầu vào cùng với việc lo chổ ăn, ở cho gần 300 công nhận cũng là áp lực lớn cho doanh nghiệp.

"Trước đây, công nhân vào công ty chỉ ăn trưa và chiều, tuy nhiên giờ phải lo 3 bữa ăn cho họ tại vì họ không ra ngoài được. Quy định về giờ ăn, quy định giờ ngủ, vệ sinh… tất cả những cái đó làm họ bị gò bó", ông Nguyễn Đăng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico) cho hay.

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, với những doanh nghiệp không thể bố trí ăn ngủ tại chỗ, khó khăn, áp lực còn lớn hơn. Doanh nghiệp phải thuê các khách sạn gần nhà máy.

Thách thức triển khai mô hình “3 tại chỗ” ổn định sản xuất - Ảnh 2.

Một công ty thực hiện mô hình "3 tại chỗ" cho người lao động. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh đó, do số lượng công nhân lớn nên việc lo nguồn thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, Hiệp hội kiến nghị thành phố cần hình thành hệ thống cung cấp lương thực cho các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ".

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: "Các nhà máy bây giờ tuy đều có bếp ăn riêng nhưng không tổ chức nấu cho công nhân ăn được vì hệ thống cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm các chợ đầu mối đa số ngừng hoạt động. Đa số nhà máy đều phải đặt cơm hộp từ các nơi nấu ăn bên ngoài".

"Khó khăn là phải tăng chi phí công tác phòng chống dịch, tăng chi phí nguyên liệu đầu vào", bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết.

Ngoài ra, chi phí xét nghiệm 7 ngày/lần, bình quân từ 100.000 - 150.000/lần cũng gây áp lực chi phí doanh nghiệp lúc này. Doanh nghiệp càng quy mô, lực lượng lao động càng nhiều, áp lực càng lớn.

Cần linh hoạt chính sách cho doanh nghiệp để giữ "mục tiêu kép"

Thực tế, các quy định như "3 tại chỗ" đã và đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng khi dịch xảy ra. Tuy nhiên, quy định này không bắt buộc mà chủ yếu dựa trên cơ sở tự nguyện của từng đối tượng doanh nghiệp, nghĩa là đây là quyết định về quản lý và xử lý rủi ro của từng doanh nghiệp, từng cơ sở sản xuất.

Để giữ chân người lao động ở lại làm việc, các doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách tính lương thay vì hàng tháng nay có thể được chọn nhận hàng ngày, thậm chí là tăng thêm… Tuy nhiên, nguồn lực của doanh nghiệp là có hạn.

Trước khi UBND TP Hồ Chí Minh có quy định "3 tại chỗ", một số doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai có nguồn lực và được khuyến cáo bởi các công ty mẹ đã "lập trại" trong khu sản xuất để cho công nhân ở lại.

Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam còn khó khăn về mặt tài chính, cơ sở vật chất không đáp ứng, việc tổ chức ăn ở, điều kiện sinh hoạt còn kém… Do vậy, áp dụng quy định bắt buộc để được hoạt động gây áp lực quá lớn, nhiều doanh nghiệp lựa chọn ngừng sản xuất.

"Ở mức độ này nếu như chúng ta vẫn nói là thực hiện "mục tiêu kép" phải có chính sách linh hoạt cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright bày tỏ.

Cụ thể, linh hoạt ở đây nghĩa là những doanh nghiệp nào có điều kiện vẫn thực hiện "3 tại chỗ". Còn doanh nghiệp nào không đủ điều kiện "3 tại chỗ" giảm quy mô, thực hiện giãn cách trong hoạt động sản xuất, ăn uống của người lao động.

Thách thức triển khai mô hình “3 tại chỗ” ổn định sản xuất - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp đang gặp nhiều thách thức khi triển khai mô hình “3 tại chỗ” ổn định sản xuất. Ảnh minh họa - NLĐ.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Xuân Thành, chính quyền TP Hồ Chí Minh nên dùng ngân sách địa phương, cắt giảm các nguồn khác để ra những quyết định hỗ trợ, chia sẻ với các doanh nghiệp, đặc biệt với chi phí xét nghiệm.

Ông đề xuất một lần xét nghiệm doanh nghiệp chỉ chịu 50 - 70%, còn lại ngân sách TP Hồ Chí Minh lo. Như vậy, doanh nghiệp họ sẵn sàng tuân thủ quy định để hạn chế tối thiểu rủi ro.

Ngoài ra, theo ông Thành, những chính sách hỗ trợ cũng phải được triển khai cấp thiết ngay lúc này từ Chính phủ như giảm thuế suất, thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Các hỗ trợ này vừa có lợi cho doanh nghiệp sản xuất bán hàng, vừa có lợi cho người tiêu dùng trong bối cảnh COVID-19 hiện nay.

Trong báo cáo trước Quốc hội ngày 21/7, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng Chính phủ cần thực hiện phương châm "cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh" để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19. Do đó, theo các chuyên gia, cần linh hoạt trong chính sách, triển khai các gói hỗ trợ theo hướng "thoáng" hơn là điều cần thiết vào lúc này.

Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm TP Hồ Chí Minh sẵn sàng “3 tại chỗ” Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm TP Hồ Chí Minh sẵn sàng “3 tại chỗ” Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đề xuất gỡ khó khi sản xuất Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đề xuất gỡ khó khi sản xuất ''3 tại chỗ'' 27 doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đăng ký '3 tại chỗ' 27 doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đăng ký "3 tại chỗ"

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước