Hiện nay, khi Việt Nam cơ bản đã khống chết được dịch, các dịch vụ ăn uống đã sôi động trở lại, nhưng có phải cứ hết dịch, khách hàng sẽ quay trở lại như trước? Thói quen ăn uống của người tiêu dùng hiện đã thay đổi khá nhiều. Hiểu được nhu cầu mới của khách hàng chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp F&B khôi phục lại việc kinh doanh.
Doanh nghiệp thích nghi với sự thay đổi trong thói quen ăn uống của người tiêu dùng
Bên cạnh xu hướng ăn tại nhà hậu dịch do tiết giảm chi tiêu, một xu hướng tiêu dùng mới được ghi nhận đó là việc sử dụng các dịch vụ giao thức ăn nhiều hơn của người dân. Tại một chuỗi nhà hàng, dù việc bán hàng online không phải là thế mạnh vào giai đoạn trước dịch, nhưng hiện, việc giao hàng đang được xác định là chiến lược chủ chốt nhằm tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Nhiều cửa hàng, chuỗi nhà hàng ăn uống (F&B) gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Trong một khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, 64% người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao đồ ăn thường xuyên hơn sau dịch COVID-19. Điều này cho thấy các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống cần có sự thay đổi để thích nghi với những nhu cầu mới trên thị trường và khả năng số hóa sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp.
Có thể thấy, dịch COVID-19 đã tạo cú hích buộc ngành dịch vụ ăn uống cần nhiều hơn sự hiện diện của công nghệ.
Ngành dịch vụ nhà hàng, ăn uống "chuyển mình" sau dịch
Công nghệ đã mang lại những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Giờ đây ngồi ở nhà, chỉ với chiếc điện thoại trên tay, người dùng không chỉ có thể đặt xe, đặt đồ ăn, mà thậm chí còn có thể đặt trước cả chỗ ngồi. Dịch COVID-19 đã gây thiệt hại không nhỏ nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp F&B "chuyển mình" thay đổi để đi nhanh hơn sau dịch.
Thói quen ăn uống của người tiêu dùng hiện đã thay đổi khá nhiều hậu COVID-19. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ để tiết kiệm chi phí, đa dạng hóa các kênh bán hàng là hướng đi một số chuỗi cửa hàng lựa chọn. Vì trên thực tế, giao hàng trực tuyến là nguồn thu duy nhất giúp những chuỗi cửa hàng này tồn tại trong thời gian giãn cách xã hội.
Dịch vụ, nhà hàng vốn là một ngành nâng niu trải nghiệm khách hàng. Bởi vậy, đây chính là thời điểm vàng để các doanh nghiệp rà soát lại quy trình vận hành, củng cố chất lượng, dịch vụ của mình.
Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tồn tại, thay đổi để thích nghi sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn sau dịch và ngành dịch vụ, ăn uống là một ví dụ điển hình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!