Ngành dịch vụ nhà hàng kỳ vọng chính sách mới của ông Fumio Kishida

Anh Quang-Thứ sáu, ngày 01/10/2021 08:03 GMT+7

VTV.vn - Việc ông Fumio Kishida nhiều khả năng trở thành Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản đang thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp nước này.

Từ ngày 1/10, Nhật Bản sẽ dỡ bỏ toàn bộ lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh là dịch vụ ăn uống. Các chủ cửa hàng đang kỳ vọng một chính sách kinh tế mới sẽ giúp hồi sinh lĩnh vực vốn đóng góp hơn 100 tỷ USD vào GDP của nước này trong thời gian tới.

Để thích nghi với các quy định phòng dịch và cấm bán đồ uống có cồn tại Nhật thời gian qua, chuỗi quán rượu theo văn hóa Izakaya đã phải chuyển đổi 40% trong 300 quán thành những nhà hàng chuyên phục vụ đồ nướng. Các nhân viên robot và băng chuyền được sử dụng như một cách hạn chế tiếp xúc với khách hàng.

Chủ chuỗi quán rượu này nhận định, tình hình kinh doanh sẽ không khá hơn từ ngày 1/10, khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ hoàn toàn, bởi các nhà hàng đủ điều kiện cũng sẽ chỉ được mở cửa đến 21h, tức thêm 1 tiếng so với hiện nay. Còn quy định cấm bán rượu sau 19h vẫn chưa được nới lỏng.

"Đóng cửa lúc 20h hay 21h, trong khi vẫn cấm bán đồ uống có cồn thì có tác dụng gì đâu. Vẫn sẽ rất ít khách đi ăn quán với quy định này. Khách hàng thường rời công sở và vào quán vào khoảng 19h. Nếu chúng tôi chỉ có thể phục vụ nước lọc thì họ thà ở nhà còn hơn", ông Miki Watanabe, Chủ chuỗi nhà hàng Watami tại Tokyo, Nhật Bản, bày tỏ.

Ngành dịch vụ nhà hàng kỳ vọng chính sách mới của ông Fumio Kishida - Ảnh 1.

Một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Nhật Bản do dịch bệnh là dịch vụ ăn uống. (Ảnh minh họa - Ảnh: EPA-EFE)

Kết quả khảo sát năm 2020 cho thấy, số nhà hàng, quán ăn, quán rượu phá sản tại Nhật Bản tăng kỷ lục, với khoản nợ thấp nhất là 96.000 USD.

Chưa dừng lại, theo Tokyo Shoko Research, trong 8 tháng của năm 2021, số vụ phá sản do dịch COVID-19 thậm chí còn lên mức 1.026 vụ, cao hơn con số của cả năm 2020.

Đầu năm nay, Chính phủ nước này đã quyết định chi 7,13 tỷ USD từ ngân sách dự phòng để hỗ trợ các cửa hàng ăn uống tại 11 tỉnh, thành phố trong diện ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên việc hỗ trợ lại theo một mức chung, không chia theo quy mô của mỗi doanh nghiệp.

"Các ứng cử viên trong đó có ông Fumio Kishida đã cam kết sẽ ứng phó với đại dịch và tung ra các biện pháp kích thích kinh tế mới. Sức chịu đựng của ngành đã đạt đến giới hạn. Chúng tôi rất chờ đợi điều đó, bởi ngành dịch vụ thực phẩm sẽ luôn phải đối mặt với một "trận chiến dài hơi" với COVID-19", ông Miki Watanabe cho biết thêm.

Ông Fumio Kishida đã đề xuất gói chi tiêu hơn 230 tỷ USD bổ sung từ nay đến cuối năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ngành dịch vụ ăn uống, nhà hàng kỳ vọng họ sẽ được hỗ trợ đúng mức từ gói kích thích kinh tế mới này so với con số 7 tỷ USD trước đó.

Chính sách kinh tế của nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản Fumio Kishida Chính sách kinh tế của nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản Fumio Kishida

VTV.vn - Nhiệm vụ khó khăn đang chờ nhà lãnh đạo tương lai của Nhật Bản chính là sự cân bằng khi vừa tái khởi động nền kinh tế, vừa áp dụng các biện pháp ngăn chặn COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước