Tại Triển lãm Hàng không Singapore (Singapore Airshow) ngày 12/2, Boeing đưa ra dự báo các hãng hàng không tại khu vực Đông Nam Á sẽ cần 4.500 máy bay mới trong 20 năm tới, với trị giá 710 tỷ USD theo giá niêm yết. Máy bay một lối đi tiếp tục tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tăng trưởng năng lực hàng không tại Đông Nam Á. Sự tăng trưởng này giúp kích thích nhu cầu về dịch vụ hàng không thương mại – ngành được dự báo sẽ đạt trị giá 785 tỷ USD trong khoảng thời gian giữa năm 2019 và năm 2038.
"Có ba quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Thái Lan, và Indonesia nằm trong top 10 quốc gia tăng nhiều ghế ngồi trên máy bay nhất trong ngành hàng không kể từ năm 2010. Trong số ba quốc gia, Việt Nam đã và đang đi qua quá trình tăng trưởng mạnh mẽ nhất với gần 15% mỗi năm, theo sau là Thái Lan và Indonesia với tốc độ tăng trưởng đạt 10% tại mỗi quốc gia," ông Randy Tinseth, Phó Chủ tịch phụ trách Marketing Thương mại tại Boeing, cho biết. "Với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, thị trường tiếp tục tự do hóa, kết hợp với ngành du lịch trong nước, trong khu vực và quốc tế mạnh mẽ, Đông Nam Á đã trở thành một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới."
Tuy dự báo cho thấy ưu thế của loại máy bay một lối đi, khu vực Đông Nam Á cũng sẽ cần thêm một số lượng lớn máy bay thân rộng. Nhu cầu được thúc đẩy bởi các hãng hàng không đang chuyển mình để thích ứng với môi trường kinh doanh phát triển cũng như các cơ hội mở thêm các đường bay dài. Máy bay thân rộng sẽ chiếm 19% số máy bay mới được giao hàng, cho phép các hãng trong khu vực đáp ứng các đường bay quốc tế dài.
Sự tăng trưởng của ngành hàng không trong khu vực dự báo sẽ cần 182.000 phi công thương mại, thành viên phi hành đoàn và kỹ thuật viên hàng không để đáp ứng nhu cầu điều khiển và bảo dưỡng đội máy bay tại Đông Nam Á. Dự báo về nhu cầu này được đưa ra dựa trên dữ liệu kết hợp về số lượng máy bay mới được giao hàng, tỷ lệ máy bay được sử dụng hàng năm, yêu cầu về phi hành đoàn theo khu vực và yêu cầu về quy định pháp lý.
Đối với lĩnh vực chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không, sau những sự sụt giảm vào năm 2019, khối lượng hàng hóa trên toàn cầu được dự báo sẽ hồi phục vào năm 2020 với phần lớn là sản phẩm công nghiệp dạng rắn và từ ngành mậu dịch, trao đổi hàng hóa trên toàn cầu. Về lâu dài, trong suốt khoảng thời gian trong dự báo, lĩnh vực chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không được dự báo sẽ tăng trưởng 4,2%. Máy bay chở hàng sẽ vẫn đóng vai trò trụ cột của ngành vận tải hàng hóa, với nhu cầu cần thêm 1.040 máy bay chở hàng mới và 1.780 máy bay chuyển đổi thành máy bay chở hàng trong 20 năm tới.
Trên phạm vi toàn cầu, Boeing dự báo trong 20 năm tới, nhu cầu về máy bay thương mại mới sẽ đạt 44.040 chiếc với trị giá 6.800 tỷ USD và nhu cầu dịch vụ hậu mãi sẽ có tổng trị giá đến 9.100 tỷ USD.