Mới đây, một vấn đề nóng được dư luận hết sức quan tâm đó là việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện phương án chuyển Tổng Công ty đường sắt Việt Nam về lại Bộ Giao thông vận tải. Bởi hiện nay, cơ chế đang phát sinh nhiều bất cập khiến ngành đường sắt hoạt động rất khó khăn.
Luật Ngân sách quy định, các Bộ không được phép giao dự toán ngân sách cho đơn vị ngoài ngành. Bộ Giao thông vận tải cho rằng, trường hợp của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên không còn trực thuộc Bộ nữa. Do đó, Bộ không thể giao kinh phí cho đơn vị ngoài ngành thực hiện bảo trì hệ thống đường ray thuộc Bộ quản lý.
Trong khi chưa có phương án rõ ràng thì hệ quả nhãn tiền, theo đại diện Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, gần 2 tháng đầu năm, Tổng Công ty này vẫn buộc phải chỉ đạo "chui" cho 20 công ty công ích tự bỏ ra gần 400 tỷ đồng để tiếp tục đảm bảo chạy tàu. Tuy nhiên, việc này không thể cầm cự được thêm nữa vì thiếu cơ sở pháp lý.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải lý giải, dù Tổng Công ty đường sắt đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhưng toàn bộ hạ tầng chạy tàu đều là tài sản Nhà nước và vẫn thuộc Bộ này quản lý. Tình trạng này được hiểu nôm na là "đầu đi chân ở lại" nên mới phát sinh những bất cập như hiện nay.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, phương án tạm thời chuyển Tổng Công ty đường sắt về lại Bộ Giao thông vận tải sẽ không còn vướng mắc vì việc giao ngân sách sẽ được áp dụng ngay như trước đây. Từ nay đến hết tháng 2, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập hợp tất cả những bất cập để đến đầu tháng 3 trình Chính phủ xem xét quyết định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!