Ngành gia công may mặc châu Á điêu đứng vì COVID-19

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 04/05/2020 11:05 GMT+7

VTV.vn - Trong thời gian giãn cách xã hội, các cửa hàng quần áo ở châu Âu bị đóng cửa, dây chuyền cung ứng bị chặn đầu ra, gây ảnh hưởng lớn đến ngành gia công may mặc châu Á.

Quần áo may sẵn không phải là ưu tiên trong danh sách các cửa hàng đang dần dần được phép mở cửa trở lại tại các nước châu Âu. Theo tờ Tấm gương ra tại Đức, nếu các cửa hàng ở châu Âu còn đóng cửa thì các nhà máy may gia công ở châu Á còn tiếp tục lâm vào cảnh bi đát. Các hãng thời trang như C&A hay Primark đã hủy hàng tỷ USD đơn hàng, đẩy các nước như Bangladesh vào thảm họa. Một doanh nghiệp may gia công ở Bangladesh vừa hoàn tất 20.000 quần jeans cho hãng Takko của Đức, nhưng được yêu cầu chưa chuyển hàng sang Đức. Theo bài báo, các nước chịu thiệt hại nặng nề nhất là Myanmar, Campuchia và Bangladesh.

Hiện Campuchia chưa ghi nhận người chết do nhiễm COVID-19, nhưng COVID-19 đang làm chao đảo nền kinh tế, do ngành may gia công chiếm tỷ trọng quá lớn. Theo tờ báo Pháp Courrier International, Campuchia có khoảng 1.000 nhà máy gia công quần áo, giày da, vali, túi xách, đóng góp tới 40% tổng sản phẩm nội địa và 75% kim ngạch xuất khẩu hàng năm.

Các nhãn hiệu thời trang châu Âu không phải hãng nào cũng sẵn sàng chia sẻ khó khăn của các nhà máy ở châu Á may gia công cho mình. Tờ Người bảo vệ ra viết rằng: "Các nhà bán lẻ phương Tây viện dẫn điều khoản về tình huống bất khả kháng có trong hợp đồng đã ký để hủy bỏ hoặc là tạm treo các đơn hàng".

Theo bài báo, các hãng này còn từ chối thanh toán chi phí nguyên liệu mà các doanh nghiệp may gia công đã phải ứng trước, không chịu nhận sản phẩm đã hoàn tất để khỏi mất chi phí vận chuyển và đẩy gánh nặng lưu kho cho bên gia công. Hãng Primark của Anh bị chỉ đích danh là đã cư xử tàn nhẫn theo cách này, trong khi các hãng H&M của Thụy điển, Next của Anh và Zara của Tây Ban Nha đã cam kết sẽ tôn trọng các hợp đồng đã ký.

Quần áo, giày dép sẽ là ngành hàng cần rất nhiều thời gian để phục hồi, theo tờ Tin điện Chủ nhật ra tại Anh. Sản phẩm thời trang là sản phẩm ngắn hạn, núi hàng hóa lưu kho đang là mối nguy và phải tìm cách đẩy đi cho nhanh khi có thể. Theo bài báo, phần lớn mọi người ở trong nhà là chính, không chi tiêu cho quần áo. Về lâu dài, cuộc khủng hoảng này có thể khiến nhiều người phải nghĩ rằng: Liệu có cần mua nhiều áo váy, giày guốc đến thế hay không?

EVFTA - Cú hích để doanh nghiệp may mặc đa dạng hóa nguồn cung EVFTA - Cú hích để doanh nghiệp may mặc đa dạng hóa nguồn cung

VTV.vn - EVFTA là cú hích cần thiết thôi thúc DN Việt đa dạng hóa nguồn cung, cũng là để tránh sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn đang bị đình trệ do ảnh hưởng dịch bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước