Tại làng nghề gỗ Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, toàn bộ các xưởng làm nghề mộc đã chuyển đổi hoàn toàn từ sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang sử dụng loại gỗ tần bì được nhập khẩu chính ngạch từ châu Âu kể từ năm 2007 đến nay.
"Cây gỗ tần bì khi mang về Vệt Nam, một là nguồn cung cấp của nó được ổn định, hai là khách hàng đặt được những đơn hàng có sự chuẩn bị về nguyên liệu. Làm gỗ hợp pháp được nhiều tiền hơn thì người ta sẽ sẵn sàng không làm gỗ bất hợp pháp nữa", ông Nguyễn Duy Vinh, Đại diện làng nghề mộc Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, cho biết.
Theo Tổ chức Forest Trends, Việt Nam có trên 340 làng nghề gỗ, mỗi năm nhập khẩu khoảng 1,5 - 2 triệu m3 gỗ từ nguồn rừng tự nhiên. Các làng nghề đang sử dụng nguồn gỗ quý, gỗ tự nhiên cũng cần sớm chuyển đổi nguồn cung nguyên liệu.
Sử dụng toàn bộ gỗ hợp pháp sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Hoa Kỳ. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Với hiệp định 2 bên ký kết, nếu không được áp dụng sẽ làm phát sinh tranh chấp thương mại, hậu quả là áp đặt các rào cản bằng chính sách thuế, làm cho hàng hóa Việt Nam mất khả năng cạnh tranh, nguy cơ giảm 35 - 45% giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ là điều dễ xảy ra và còn kéo theo hệ lụy cho các thị trường khác, đặc biệt là châu Âu", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, nhận định.
Thỏa thuận với Hoa Kỳ sẽ chính thức có hiệu lực kể từ đầu tháng 11. Trong thời gian này, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ rà soát các nguồn nhập khẩu gỗ nguyên liệu.
"Tiếp tục rà soát để ký thỏa thuận với một số quốc gia mới để chúng ta có thể thực thi hiệu quả thỏ thuận này, ví dụ như là sẽ ký kết thỏa thuận với Lào, Việt Nam với Campuchia, Việt Nam có thể ký mới hợp tác lâm nghiệp giữa Việt Nam và Cameroon và một số quốc gia vùng châu Phi", ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho hay.
8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu vào Hoa Kỳ chiếm 61% kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước, thị trường Hoa Kỳ đặc biệt quan trọng với ngành gỗ. Sử dụng toàn bộ gỗ hợp pháp sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Hoa Kỳ; đồng thời chuyển đổi sản xuất cho làng nghề truyền thống và tạo việc làm cho các hộ trồng rừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!