Ngành hàng không Việt Nam: Khó khăn chồng chất khó khăn

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 28/08/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Khó khăn này chưa qua khó khăn khác đã tới, 2020 trở thành "năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không".

Các hãng hàng không chật vật

Chưa đầy 2 tháng sau khi được khai thác trở lại, thị trường nội địa của ngành hàng không nhanh chóng gượng dậy. Thậm chí, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu khôi phục đường bay quốc tế từ cuối tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, mọi kế hoạch chưa kịp thực hiện thì đợt dịch bệnh lần thứ 2 đã quay trở lại. Ở thời điểm này, hàng không chỉ có thể miêu tả với bức tranh: "khó khăn chồng chất khó khăn".

8 đường bay nội địa được mở mới, 300 chuyến/ngày là kết quả đạt được của hãng hàng không Vietjet Air trong tháng 6, ngay khi Việt Nam kiểm soát được dịch COVID-19. Thế nhưng tất cả đã thay đổi khi làn sóng COVID-19 mới lại bùng phát. Đại diện hãng hàng không này cho biết: dòng tiền đã lại giảm mạnh. Các khoản vay, như nợ đã dần đến ngưỡng kiểm soát của ngân hàng.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, cho biết: "Điều quan trọng nhất bây giờ là dòng tiền về thanh khoản, các hãng hàng không đều phải được sự công bằng vì cùng kinh doanh hàng không, cùng nghĩa vụ đóng góp ngân sách nhà nước".

Ngành hàng không Việt Nam: Khó khăn chồng chất khó khăn - Ảnh 1.

Số lượng các chuyến bay giảm mạnh vì COVID-19

Không chỉ Vietjetet, Bamboo Airways cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn. Nếu trước đây, trung bình mỗi ngày hãng có 100 chuyến bay, ở thời điểm hiện tại giảm xuống chỉ còn 1/3. Dù doanh thu ghi nhận đà tăng nhưng với các chương trình kích cầu, giảm giá vé, tỷ suất lợi nhuận thu lại trên chi phí cố định lại không hề cao.

Ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, nói: "Chúng tôi cũng rất cần sự hỗ trợ của chính phủ và cần được đối xử công bằng bởi các khoản hỗ trợ này rất có ý nghĩa".

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Chính phủ tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ cần được thực hiện dài hơi hơn, không phải chỉ trong vòng 5-6 tháng mà có thể kéo dài từ 12-24 tháng. Cùng với đó là các gói vay hỗ trợ lãi suất thấp từ các ngân hàng thương mại sẽ làm giảm sự thiệt hại trong thời điểm dịch và giúp hàng không chuẩn bị 1 sức khoẻ tốt hơn cho sự phục hồi sau này.

Các chính sách hỗ trợ ngành hàng không hiện nay

Ngành hàng không Việt Nam: Khó khăn chồng chất khó khăn - Ảnh 2.

Ngành hàng không đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính ở thời điểm này

Theo Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, mặc dù đã cắt giảm tổng chi phí từ 50% - 70% , đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay; bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản; giảm lương, tuy nhiên, các hãng đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng. Các hãng cũng đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có giải pháp, cơ chế phù hợp, điều chỉnh về giá dịch vụ các hoạt động hàng không.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ cho tất cả các hãng hàng không đang sử dụng dịch vụ tại các sân bay của doanh nghiệp. Theo đó, có 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá từ 10 đến 50% để chung tay cùng các hãng đối phó dịch bệnh, sớm khôi phục hoạt động.

Ngoài ra, Cục Hàng không cũng đã báo cáo Bộ GTVT về việc xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam, trong đó, bổ sung quy định giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm nay; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm nay và báo cáo Chính phủ xem xét, hỗ trợ về lãi suất vay vốn đối với các hãng hàng không Việt Nam.

Năm 2024 ngành hàng không toàn cầu mới phục hồi hoàn toàn

Hàng không là 1 trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, ngay cả những hãng hàng không lớn cũng không thoát khỏi. Aeroflot - hãng hàng lớn nhất nước Nga hồi đầu tháng đã công bố khoản lỗ ròng trong 6 tháng đầu năm nay cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng này cùng các công ty con nhận trợ cấp gần 8 tỷ Ruble (khoảng 110 triệu USD). Con số này là gần 1/3 khoản trợ cấp ngân sách được Chính phủ Nga dành cho tất cả công ty hàng không trong giai đoạn khủng hoảng.

Ngành hàng không Việt Nam: Khó khăn chồng chất khó khăn - Ảnh 3.

Trong năm 2020, lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không trên thế giới sẽ giảm 55%. (Ảnh minh họa: Reuters).

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo trong năm nay, lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không trên thế giới sẽ giảm 55%, cao hơn mức dự báo giảm 46% đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Tốc độ tăng trưởng ì ạch của hoạt động vận tải hàng không trên toàn cầu cho thấy lĩnh vực này sẽ hồi phục chậm hơn một năm so với dự báo trước đó. Thậm chí, triển vọng quay trở lại các mức tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19 có thể lùi sâu hơn nếu thế giới không kiểm soát được dịch bệnh hay chưa có vaccine phòng bệnh. Do nhu cầu sụt giảm, ngành hàng không trên thế giới có thể thất thu 84,3 tỷ USD trong năm nay.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) buộc phải đưa ra kết luận rằng: 2020 sẽ trở thành "năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không" và sẽ không thể quay về các mức tăng trưởng ghi nhận trước khi bùng phát dịch COVID-19 cho đến năm 2024. Điều này cũng có nghĩa khó khăn cho ngành hàng không Việt Nam sẽ không chỉ là trước mắt. Khó có thể đoán định chính xác đến khi nào ngành hàng không sẽ cất cánh trở lại nhưng chắc chắn rằng: đang cấp bách cần có một chính sách hỗ trợ mang tính dài hơi hơn và sát sườn hơn để vượt qua những khó khăn hiện nay.

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 27/8 với sự tham gia của TS. Lương Hoài Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ du lịch Gotadi, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch sẽ phân tích chi tiết về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước