Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp hàng không từng bước khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 gây ra.
Hiệp hội kiến nghị Chính phủ một số cơ chế như cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 – 27.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 3-4 năm, kéo dài thời gian miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021. Ngoài ra, giảm 70% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay và đẩy nhanh tiến độ sửa chữa đường băng, đường lăn tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong 6 tháng, để không ảnh hưởng các chuyến bay.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép mở lại các đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được COVID-19, và ban hành quy trình phòng chống dịch và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không. Từ đó, Chính phủ cho phép khách du lịch nhập cảnh nếu họ đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch.
Hiệp hội cho phép mở lại các đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được COVID-19.
"Đối với việc mở lại đường bay quốc tế, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch sẽ quyết định thời điểm có thể thực hiện và đưa ra các quy định như thu phí cách ly, quy trình kiểm soát dịch với khách du lịch", ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Thắng cho biết.
Liên quan đến đề xuất hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không, trước đó, Vietnam Airlines cũng đã từng kiến nghị được Chính phủ, cổ đông đang nắm giữ 86% cổ phần hỗ trợ gói tín dụng 12.000 tỷ đồng. Trong đó, 4.000 tỷ đồng vay ưu đãi và 8.000 tỷ đồng bằng việc tăng vốn chủ sở hữu.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 mới đây, đại diện Vietnam Airlines cho biết, phương án hỗ trợ này đã được Chính phủ đồng thuận, hiện đang hoàn tất các thủ tục để trình lên các cấp cao hơn quyết định. Như vậy, theo đề xuất của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, nếu gói tín dụng đã bao gồm cả phần hỗ trợ Vietnam Airlines, sẽ còn khoảng 13.000 – 15.000 tỷ đồng có thể hỗ trợ cho các hãng hàng không khác.
Do dịch tái phát tại một số địa phương, nhu cầu đi lại của người dân giảm đột ngột. Ngành hàng không mất hẳn cơ hội khai thác du lịch hè.
Văn bản của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không từ cuối tháng 7/2020, dịch COVID-19 tiếp tục tái phát ở một số địa phương, đặc biệt là TP. Đà Nẵng - thị trường trọng điểm du lịch và hàng không nội địa. Nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không giảm đột ngột. Các hãng hàng không mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020, chuyển ngay vào giai đoạn thấp điểm của ngành hàng không.
Hiệp hội nêu rõ, mặc dù các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí từ 50% - 70% so với cùng kỳ năm trước, đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay; bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản; giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên; giảm giá vé. Tuy nhiên, tất cả các hãng hàng không đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng.
Tổ chức dân dụng quốc tế cũng vừa đưa ra dự báo, đến năm 2024, hàng không thế giới mới có thể phục hồi như năm 2019 và các hãng của Việt Nam sẽ thiệt hại trên 4 tỷ USD trong năm nay.
Giữa tháng 7, Cục Hàng không Việt Nam cũng từng kiến nghị mở một số đường bay quốc tế theo mô hình "di chuyển nội khối", nghĩa là các quốc gia cho phép nhập cảnh đối với công dân nước mình và thương gia, chuyên gia kỹ thuật, sinh viên... Khi nhập cảnh, người dân phải cách ly 14 ngày tại gia đình hoặc cơ sở lưu trú do chính quyền chỉ định (có thu phí). Việc tự cách ly tại gia được chính quyền kiểm soát chặt bằng công nghệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!