Vale Indonesia - một công ty con của tập đoàn khai thác mỏ toàn cầu Vale International - vận hành các nhà máy luyện kim ở Sorowako, Nam Sulawesi, hoàn toàn bằng thủy điện. Vale cho biết việc này có thể giảm lượng khí thải tương đương hơn 1,115 triệu tấn CO2 mỗi năm so với việc sử dụng dầu diesel. Công ty này cũng tuyên bố họ đã giảm lượng khí thải nhà kính xuống gần 1/5 kể từ năm 2017.
Việc đầu tư cho thủy điện từ đầu không rẻ, nhưng theo người đứng đầu tập đoàn, về lâu về dài, năng lượng xanh còn giúp giảm cả chi phí hoạt động.
"Tổng cộng 3 đập thủy điện này tiêu tốn của chúng tôi gần 1 tỷ USD vốn đầu tư. Tuy nhiên, qua nhiều năm, ngày nay, chi phí hoạt động của chúng tôi là một trong những mức thấp nhất nếu xét riêng quy trình sản xuất đá ong. Vì vậy, thủy điện không chỉ làm giảm lượng khí thải carbon mà còn giảm chi phí hoạt động cho nhà máy, vì chúng tôi không còn bị phụ thuộc vào những biến động giá xăng, dầu và than", bà Febriany Eddy, Giám đốc điều hành của Vale Indonesia, cho biết.
Công nhân làm việc trong nhà máy của Vale Indonesia. (Ảnh: AP)
Các công ty và quốc gia khác trên thế giới cũng đang giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hoạt động khai thác, như tại Chile, ngành khai thác mỏ đang tận dụng năng lượng mặt trời để sản xuất đồng, lithium và các vật liệu khác. Trước đây, ngành này tiêu thụ rất nhiều điện của cả nước. Trong những năm gần đây, năng lượng gió cũng đã giúp điện khí hóa mỏ Raglan ở Canada.
Theo các chuyên gia, động lực và cũng là sức ép khiến các công ty phải xanh hóa hoạt động của mình chính là người tiêu dùng.
"Nếu người dùng quan tâm tới việc sản phẩm của họ đến từ đâu, lúc khai thác có ảnh hưởng tới môi trường hay không, thì đó chính là lý do để các công ty phát triển quy trình xanh. Tuy nhiên chúng ta cần sẵn sàng trả một giá tiền cao hơn cho các sản phẩm xanh này", Giáo sư Michael Goodsite, ngành Kỹ thuật dân dụng và Môi trường, Đại học Adelaide, Australia, nhận định.
Hiện nay, nỗ lực cắt giảm khí thải và sử dụng năng lượng sạch đã được hỗ trợ bởi sự đầu tư, quan tâm từ các chính phủ và các công ty đa quốc gia. Những thương hiệu lớn như Volvo, Mercedes, Huyndai, Apple và các nhà sản xuất khác cần các vật liệu được sản xuất theo cách bền vững hơn để đáp ứng các cam kết về bộ tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) của chính họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!