Những năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã gặp phải không ít trở ngại như biến đổi khí hậu cực đoan, thiên tai, dịch bệnh… Tuy nhiên, toàn ngành đã vượt qua những khó khăn và đạt được những điểm sáng đáng ghi nhận.
Ngành nông nghiệp Hà Nội đạt được nhiều thành tựu sau 5 năm
Cụ thể, giai đoạn 2016-2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã đạt được những bước phát triển đáng kể, giá trị ngành tăng bình quân 2,12%.
Năm 2019, do ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi, giá trị gia tăng ngành này giảm 0,09%. Năm 2020, nhờ chỉ đạo quyết liệt của Thành phố về việc thúc đẩy phát triển nông thôn, giá trị gia tăng ngành này tăng 4,54% và bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 2,60%.
Việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi quy mô lớn đã giúp ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.
Cơ cấu nội ngành nông nghiệp cũng chuyển dịch tích cực theo hướng kinh tế hàng hoá, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho nông dân. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, chăn nuôi quy mô lớn. Toàn thành phố duy trì trên 200 vùng sản sản xuất lúa tập trung với diện tích khoảng 40 nghìn ha canh tác. Hình thành 47 vùng trồng hoa tập trung với quy mô từ 10-20 ha/vùng tại các huyện Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ, Đan Phượng, Thường Tín… Nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ như: chuối ở Phúc Thọ, bưởi ở Đan Phượng, Hoài Đức…
Bênh cạnh đó, 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực cũng được hình thành, trên 3.800 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, trong đó 81 đơn vị được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Đã có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, Trung tâm khuyến nông cũng hướng dẫn bà con nông dân áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo điều kiện phát triển sản xuất. Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đạt kết quả tốt; đã có 1.054 sản phẩm OCOP, vượt mục tiêu đề ra và chiếm 42% cả nước. Phát triển được 14 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn TP.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 55 triệu đồng (năm 2015 đạt 33 triệu đồng/người), cao hơn 6 triệu đồng so với mục tiêu đề ra. Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 32%; Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên trên 95%.
Ưu tiên phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững
Dự kiến trong 5 năm tiếp theo, giai đoạn 2021-2025, do tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, có thể có nhiều tình huống mới nên ngành nông nghiệp cần có kế hoạch và sự chuẩn bị sẵn sàng.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với những biến thể mới nguy hiểm hơn trong khi vaccine phòng dịch vẫn khan hiếm, khó tiếp cận với những quốc gia nghèo sẽ tác động mạnh, sâu rộng, đa chiều đến ngành nông nghiệp. Vì vậy, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ đẩy mạnh việc khuyến khích các huyện phát triển kinh tế nông nghiệp, khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất, không để hoang hoá; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, nông nghiệp đô thị, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP.
Được biết, tính đến hết năm 2020, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.054 sản phẩm OCOP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Quan trọng hơn cả, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân là chủ thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!