Ngành nông nghiệp nỗ lực phục hồi sau bão

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 23/09/2024 13:30 GMT+7

VTV.vn - Ước tính bão số 3 sẽ kéo tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 0,33%. Trong đó thiệt hại nặng nề nhất là lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Tăng trưởng nông nghiệp giảm mạnh sau bão

Hơn 3 triệu gia cầm, gần 22.000 gia súc bị chết, 3.700 lồng bè bị cuốn trôi. Với thiệt hại kép bao gồm mất cả vật nuôi và hạ tầng lồng bè chuồng trại nên ước tính thiệt hại chỉ riêng hai lĩnh vực này có thể lên đến 7.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của các địa phương, số chủ nuôi mất từ 6-10 tỷ đồng là khá nhiều. Đơn cử như huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, tổng sản lượng thuỷ sản đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại đã hơn 32.000 tấn, tương đương 2.281 tỷ đồng.

Để tái thiết, nhiều chủ lồng bè cho biết, họ phải cần nguồn vốn tối thiểu khoảng 300-400 triệu đồng bởi đầu tư cho nuôi biển là rất lớn.

Tổng huy động nguồn lực hỗ trợ phục hồi chăn nuôi, thủy sản

Để nhanh chóng khôi phục tái thiết sản xuất cho hai lĩnh vực quan trọng, chiếm 50% tổng giá trị của ngành là chăn nuôi và thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phát động đợt tổng huy động nguồn lực.

Theo đại diện của Cục Chăn nuôi và Cục Thuỷ sản, việc khôi phục nhanh hai lĩnh vực này là yêu cầu bức thiết để duy trì đà tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu xuất siêu. Sau lời kêu gọi của Bộ , ngành chăn nuôi đã huy động được gần 7 tỷ đồng và ngành thuỷ sản là 85 tỷ đồng của gần 100 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Sự hưởng ứng này đã trở thành nguồn lực quan trọng để có ngay sản phẩm cho thị trường cuối năm

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Có những công ty có vật liệu HDPE, tham gia với Quảng Ninh, Hải Phòng để cho bà con phục hồi tái thiết. Hay có công ty sẵn sàng cho một triệu giống rong. Ngoài việc cam kết giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, mong các công ty rút lại kinh nghiệm của mình sau đợt bão này và những kinh nghiệm để nuôi làm sao đến cuối năm để đạt hiệu quả cao nhất".

Ngành nông nghiệp nỗ lực phục hồi sau bão - Ảnh 1.

Giống, thức ăn, hoá chất khử trùng, trang thiết bị để tái thiết hạ tầng lồng bè, chuồng trại sẽ là những sản phẩm ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nêu ý kiến: "Đề nghị Ngân hàng Nhà nước có một chính sách về cho vay các khoản vay mới với thời hạn dài hơn theo chu kỳ sản xuất của đối tượng vật nuôi. Chẳng hạn như các hợp tác xã, các hộ chăn nuôi doanh nghiệp đang chăn nuôi gà đẻ trứng, thời hạn nuôi ít nhất phải 12-18 tháng nhưng hiện nay vay chỉ được 6 tháng là phải đáo hạn. Đề xuất thứ hai mà các thành viên hiệp hội đề nghị là đề nghị Bộ Nông nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng xem xét trong 6 tháng đến một năm giảm một số phí và lệ phí như phí kiểm dịch, phí về làm thủ tục công bố hợp chuẩn hợp quy, để các doanh nghiệp đỡ khó khăn trước mắt này".

Giống, thức ăn, hoá chất khử trùng, trang thiết bị để tái thiết hạ tầng lồng bè, chuồng trại sẽ là những sản phẩm ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở số lượng, chủng loại, Bộ sẽ gắn trách nhiệm của từng doanh nghiệp với từng địa bàn để trực tiếp hướng dẫn bà con tái thiết sản xuất một cách hiệu quả.

Thay đổi để đảm bảo tái thiết bền vững

Sau bão, việc làm lại từ đầu cho những nơi đã bị phá huỷ hoàn toàn cũng đặt ra một hướng suy nghĩ mới. Đó là phải coi đây là một cơ hội để thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững hơn. Có như vậy mới có thể thích ứng với những thay đổi khó lường của thời tiết và đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Nuôi biển ở huyện Vân đồn, tỉnh Quảng Ninh đã gần như bị xoá sổ. Nhưng 85 hợp tác xã ở đây cũng đã nhanh chóng gượng dậy để làm lại từ đầu vốn là câu chuyện đau đầu nhất lúc này.

Ông Phạm Văn Dương - Khu 9, thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh chia sẻ: "Con hàu khắc phục một năm thì có thể được thu nhưng cá có thể 4 năm mới được thu, thế thì lấy gì trả lãi hàng tháng".

Thiên tai cũng là một phép thử để thấy công nghệ nào là phù hợp. Trước bão, bà con đã chuyển mạnh từ phao xốp sang phao nhựa thì việc tái thiết lúc này còn phải tính đến vật liệu bền hơn cho cả một hệ thống lồng bè.

Hiệp hội nuôi biển đề xuất việc tái thiết sau bão, bên cạnh tiến hành chính sách giao biển cho dân cần phải đặt ra ngay tiêu chuẩn hạ tầng của nuôi biển.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nêu nhận định: "Tất cả các hộ HDPE gần như không bị gãy, trong khi 99% các lồng bằng tre, bằng gỗ đều nát hết. Giờ chúng ta phải làm lại, chắc chắn không thể làm theo lối cũ, khôi phục nhưng theo kiểu mới".

Còn với lĩnh vực chăn nuôi, trên tổng số thiệt hại về gia súc gia cầm, ước tính số lợn nái, gà đẻ chiếm khoảng 50%. Đây là một thách thức trong đảm bảo con giống cho khôi phục sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nêu nhận định: "Các đàn nái của các doanh nghiệp ở những khu vực khác như Nam Trung Bộ, Tây Nguyên hay Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ vẫn có khả năng cung cấp và ổn định nguồn cung con giống. Nếu cần thiết thì cũng phải tính đến việc nhập lợn giống như khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra".

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Khi Cục Chăn nuôi tổng hợp hết, đề nghị với những doanh nghiệp doanh nghiệp nào cấp giống, doanh nghiệp nào cấp thức ăn, giống gì, đối tượng nào. Có một quy hoạch tổng thể từ đó phân bổ lại cho các tỉnh".

Với sự vào cuộc nhanh, toàn diện, ngành nông nghiệp dự kiến, khu vực phía bắc sẽ có ngay lứa rau mới trong một tháng tới, sản lượng gia cầm và lợn sẽ cơ bản đáp ứng nguồn cung cho thị trường cuối năm khi thời gian sản xuất vẫn đảm bảo để nông dân tái thiết, có thêm một lứa nuôi mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước