Ngành rau quả sẽ đạt kỷ lục mới trong xuất khẩu

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 28/04/2024 11:00 GMT+7

VTV.vn - Đến hết tháng 4, rau quả Việt Nam có những kết quả khởi sắc, ước đạt 520 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm của nước ta đạt 1,8 tỷ USD.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam nhiều cơ hội lập kỷ lục mới

Nối tiếp đà xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1 năm nay, đến hết tháng 4, rau quả Việt Nam tiếp tục có những kết quả khởi sắc, ước đạt 520 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm của nước ta đạt 1,8 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kì năm ngoái. Giữ mức tăng trưởng cao và có nhiều chuyển biến tích cực về thị trường, đồng thời nâng cao năng lực chế biến, ngành rau quả đang được kì vọng lập lên kỷ lục xuất khẩu mới trong năm nay.

4h sáng, nhà máy đã hoạt động để thu mua nguyên liệu phục vụ cho các dây chuyền sản xuất để kịp đơn hàng xuất khẩu. Thị trường Mỹ hồi phục từ cuối năm 2023 và thị trường châu Âu cũng ấm dần lên giúp cho doanh nghiệp không còn lo thiếu đơn hàng. Dứa và đu đủ đang là những hoa quả đắt khách tại Mỹ. Hiện doanh nghiệp cũng đang phải tìm các vùng nguyên liệu để có thể tăng thêm công suất chế biến.

Bà Mã Thị Kim Giang - Phụ trách sản xuất, Công ty Quốc Thảo, Vĩnh Long cho biết, công ty đang cần một nguồn nguyên liệu ổn định và đạt chất lượng để cung cấp, đạt được công suất sản xuất của nhà máy. Hiện tại, công ty đã ký được những đơn hàng dài hạn với khách hàng của Mỹ để có thể xuất được trong 6 tháng đầu năm.

Sầu riêng chính là mặt hàng có sức tăng trưởng ấn tượng nhất trong 4 tháng qua. Việt Nam cũng đã vượt qua Thái Lan, vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Từ nay đến cuối năm, khi các nghị định thư được kí kết, sầu riêng Việt Nam sẽ không chỉ được xuất theo dạng quả tươi, mà còn cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc theo dạng sầu riêng đông lạnh. Đây được coi là một cú hích mới với xuất khẩu rau quả Việt Nam trong năm 2024.

Tại Đăk Lắk, những nhà máy vốn sản xuất mặt hàng sầu riêng cấp đông phục vụ thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản đang chuẩn bị kho lạnh, kho cấp đông và nâng cao công suất để đón đầu làn sóng xuất khẩu sầu riêng cấp đông nguyên quả sang Trung Quốc. Nếu như việc mở thêm các mã xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sớm được thông qua thì Việt Nam có thể tích trữ được hàng trong chính vụ và xuất bán đều trong năm. Điều này sẽ giúp đẩy mạnh giá trị xuất khẩu đạt từ 3,5 đến 4 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết: "Trước hết, khi có Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào Trung Quốc, đó là một động lực để cho các doanh nghiệp đầu tư vào đa dạng sản phẩm đối với ngành sầu riêng. Từ động lực đó, họ có cơ sở hạ tầng để có thể cấp đông hoặc chế biến sầu riêng".

Căng thẳng tại biển Đỏ vẫn đang tiếp diễn. Leo thang quân sự tại một số khu vực trên thế giới diễn biến khó lường. Vì thế, chúng ta đã đang duy trì tốt nhịp độ xuất khẩu sang các thị trường gần như Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc. Đặc biệt là Thái Lan, đã tăng mạnh hơn 110% giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam . Linh hoạt về thị trường sẽ giữ vững mức tăng trưởng của ngành rau quả.

Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Doanh nghiệp rất tích cực trong vấn đề kí kết lại các đơn hàng. Tín hiệu phục hồi của chúng ta rất tốt. Vấn đề đáng quan tâm là tổ chức sản xuất để đảm bảo sản lượng cung cấp theo hợp đồng, tránh bị gián đoạn".

Lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt 1 tỷ USD ngay trong những tháng đầu của năm. Đây chính là bước chạy đà quan trọng giúp ngành hàng này sẽ đạt kỷ lục mới trong xuất khẩu.

Ngành rau quả sẽ đạt kỷ lục mới trong xuất khẩu - Ảnh 1.

Sầu riêng là mặt hàng có sức tăng trưởng ấn tượng nhất trong 4 tháng qua - Ảnh: Hoàng Giáp

Siết chặt chất lượng trái cây xuất khẩu

Không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu. Theo các doanh nghiệp, dự địa từ thị trường còn khá lớn, tuy nhiên, để cạnh tranh xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng.

Với lô thanh long đang chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, để chinh phục được thị trường khó tính này, sản phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chí, đặc biệt là phải đáp ứng hơn 200 chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để có được những lô thanh long như vậy, nhà máy tại đây phải liên kết chặt chẽ với nông dân kiểm soát kỹ lưỡng từ khâu sản xuất, chăm bón, cho đến thu hoạch. Tất cả các thông tin được ghi chép minh bạch và được phía đối tác Nhật Bản công nhận.

Bà Nguyễn Nam Phương Thảo - Giám đốc Kinh doanh, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Long An chia sẻ: "Trước những thời điểm thu hoạch, chúng tôi sẽ cho nhân viên kỹ thuật lấy mẫu ngẫu nhiên tại vườn, sau đó đem lên các phòng lab. Với những đơn vị đã được cấp phép của Cục Bảo vệ thực vật, chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu và test. Nếu như hàng đạt chuẩn, chúng tôi sẽ thu hoạch và tiến hành xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản".

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: "Khuyến cáo bà con cố gắng làm sao giữ vững được chất lượng. Nếu có chất lượng thì chúng ta không sợ không có chỗ bán hàng".

Việc có hơn 80% sản phẩm trái cây xuất khẩu là hàng tươi cũng đang là điều bất lợi. Để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, đòi hỏi ngành hàng tỷ đô này phải mạnh dạn đầu tư chế biến sâu, đa dạng được sản phẩm thay vì chỉ bán hàng thô.

Ông Trịnh Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Phúc Tiến, An Giang nêu ý kiến: "Những sản phẩm chế biến tươi đương nhiên có thời hạn sử dụng nhất đinh, rất ngắn. Chế biến sâu là tạo các sản phẩm đi đến các thị trường xa, rộng rãi, lưu trữ được nên sản lượng sẽ được nhiều".

5,6 tỷ USD là con số kỷ lục mà ngành rau quả nước ta đạt được trong năm vừa qua. Tác động tiêu cực của El NiNo đã và đang làm sụt giảm nguồn cung rau quả toàn cầu. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nếu có sản phẩm chất lượng và chinh phục được các thị trường khó tính.

Giữ chất lượng để giữ thị trường

Theo nhận định của các chuyên gia, cùng với việc xây dựng và quản lý tốt vùng trồng để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững và kiểm soát thu hoạch, việc cập nhật kịp thời những yêu cầu kĩ thuật từ nhà nhập khẩu sẽ giúp nông sản của chúng ta thâm nhập được vào các thị trường lớn, từng bước vững chắc đạt đến mục tiêu xuất khẩu 6-6,5 tỷ USD rau quả trong năm nay.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: "Phải tuân thủ các quy định về các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật. Biện pháp SPS bắt buộc nhà sản xuất và doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định này. Vì vậy, khi chúng ta không nắm được quy định này và vi phạm thì lập tức, chúng ta sẽ bị thị trường cảnh báo".

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ: "Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các tổ hợp tác xã phải có những khuyến cáo, phổ biến các thông tin, xây dựng các quy trình để đảm bảo người dân tuân thủ các quy định chặt chẽ về mặt chất lượng, để đảm bảo cho các sản phẩm đó đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước