Với con số trên, ngành rau quả đã xác lập kỷ lục mới khi lần đầu tiên có kim ngạch vượt 1 tỷ USD ngay trong quý I/2024. Tín hiệu lạc quan là vẫn còn nhiều dư địa để ngành hàng này tiếp tục bứt phá và tăng trưởng.
Công ty Cổ phần Nông sản Phúc Tiến cho biết, nhờ mạnh dạn đầu tư kho lạnh, tăng cường khâu chế biến, nhiều đối tác từ châu Âu, Nhật Bản đã tìm đến và doanh nghiệp cũng sớm ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm.
Những sản phẩm xoài sơ chế cấp đông xuất khẩu đi châu Âu của doanh nghiệp có giá hơn 1,2 USD/kg. Đây là giải pháp vừa giải quyết hiệu quả đầu ra vừa nâng cao giá trị sản phẩm.
Đến hết tháng 3 này, xuất khẩu toàn ngành rau quả đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa.
Hơn 1,25 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất khẩu mà ngành rau quả Việt Nam đạt được trong quý I/2024. Đáng chú ý, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này từ các nước đang tăng mạnh. Để khai thác tốt cơ hội đó, nhiều giải pháp đã được ngành nông nghiệp chủ động triển khai.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: "Chúng tôi xây dựng, mở rộng thêm các vùng trồng cây ăn trái chuyên canh có cấp mã số vùng trồng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu từ các thị trường".
Việc xây dựng mã số vùng trồng, minh bạch nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm còn là hướng đi bền vững, gia tăng lợi nhuận tốt nhất cho nhà vườn. Đây cũng là giải pháp giúp ngành hàng sớm vượt mốc 6,5 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu đã đạt được trong năm vừa qua.
Đẩy mạnh xuất khẩu xoài đặc sản
Xoài là một trong những trái cây đặc sản vùng ĐBSCL. Mỗi địa phương đều có những giống xoài đặc trưng, chất lượng, hương vị nổi trội khác biệt, được nhiều thị trường tiềm năng ưa chuộng. Mới đây, xoài keo - giống xoài đặc sản được trồng nhiều tại huyện An Phú, tỉnh An Giang đã được xuất bán sang thị trường Hàn Quốc. Lô hàng này mở ra nhiều triển vọng cho loại trái cây đặc sản nổi tiếng tỉnh An Giang.
18 tấn xoài keo sang thị trường Hàn Quốc lần đầu tiên được Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình, An Phú, An Giang liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Đây cũng là lô hàng xuất khẩu xoài thứ hai của An Giang sang Hàn Quốc, thị trường nhiều triển vọng và có lợi thế cạnh tranh cao.
Xoài Keo đã có từ lâu trên địa bàn huyện An Phú, tập trung chủ yếu ở các xã: Khánh Bình, Khánh An, Phú Hữu và thị trấn Long Bình. Không những ngọt thanh, thịt ngon, xoài keo còn ít chua kể cả khi trái non. Trên diện tích gần 2.000 ha, hiện An Phú có hơn 350 ha xoài keo sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Với phương thức hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ xoài keo theo chuỗi giá trị phục vụ xuất khẩu, Hợp tác xã Nông nghiệp Long Bình đang giúp các hộ trồng xoài ổn định chất lượng nguồn hàng và nâng cao giá trị xoài trái.
Xoài Keo An Giang hiện cũng được cấp 61 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường New Zealand, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc.
Với giá bao tiêu 9.500 đồng/1kg xoài keo tại vườn như hiện nay, kế hoạch hợp tác xuất khẩu xoài giữa hợp tác xã và các doanh nghiệp đang mở ra cơ hội lớn để trái xoài An Giang vươn xa, giúp nhà vườn nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất.
Nhiều dư địa cho trái xoài Việt Nam
Hiện Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về năng lực sản xuất và cung ứng xoài. Lâu nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu xoài vào Trung Quốc, chiếm gần 84%. Chính vì thế, việc xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Hàn Quốc… sẽ mở ra cơ hội cho loại trái cây này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD.
Bên cạnh xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, việc đầu tư công nghệ để nâng cao giá trị từ khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến xuất khẩu cần được ngành xoài nước ta quan tâm nhiều hơn nữa.
Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu xoài của nước ta đạt từ 150 - 180 triệu USD, chỉ chiếm 1,15% tổng nhu cầu nhập khẩu xoài của thế giới. Do đó, dư địa để Việt Nam xuất khẩu xoài còn rất lớn
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!