Ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 21/01/2024 20:28 GMT+7

VTV.vn - VASEP dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm nay sẽ có nhiều khả quan.

Ngành tôm trước cơ hội năm 2024

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản của nước ta sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Doanh số toàn ngành có thể đạt mức 9,5 - 10 tỷ USD. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD.

VASEP dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm nay sẽ có nhiều khả quan. Nguồn cung tôm toàn cầu tiếp tục tăng trưởng ổn định, đặc biệt tôm từ Ecuador, tuy nhiên sản xuất tôm của Ecuador cũng có sự giảm nhẹ trong 2024.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ 10 - 15% vào năm nay. Nhu cầu được dự báo hồi phục trở lại kể từ 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm. Đây là cơ hội cho giá tôm tăng trở lại.

Ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD - Ảnh 1.

VASEP dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm nay sẽ có nhiều khả quan. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu tôm

Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong suốt 2 thập kỉ qua. Hiện nay, nâng chất lượng, nâng giá bán sản phẩm là điều mà các doanh nghiệp đang theo đuổi. Tất cả nhằm khai thác tốt cơ hội và lợi thế từ ngành hàng tỉ đô trong năm nay.

Năm 2023, với việc duy trì tốt các thị trường xuất khẩu truyền thống như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu mang về 970 triệu USD từ xuất khẩu thủy sản, trong đó chủ yếu là con tôm.

Ngoài ra, nhu cầu đặt hàng của các nước đã tăng trở lại, nhất là trong các dịp lễ hội cuối năm. Điều này giúp lĩnh vực xuất khẩu thủy sản của tỉnh bứt phá vào những tháng cuối năm và đạt mục tiêu đề ra.

Ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD - Ảnh 2.

Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong suốt 2 thập kỉ qua. Ảnh minh họa.

Dù vậy, không ít thách thức của ngành hàng trong năm 2024 đã được đưa ra như rào cản thương mại, cạnh tranh tiêu thụ hàng hóa, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… Giải pháp là tiếp tục tìm kiếm các đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm.

Để đạt mục tiêu hơn 1 tỷ USD của ngành hàng trong năm 2024, địa phương xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính. Cùng với đó đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiệu quả từ mô hình tôm - lúa hữu cơ

Tôm sạch, tôm sinh thái cũng là một phân khúc được các thị trường đón nhận và có giá trị cao. Vì thế, ngành nông nghiệp nói chung và ngành tôm nói riêng đang nhận được nhiều nguồn lực và kỹ thuật để chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, giảm phát thải như mô hình nuôi tôm sú lúa hữu cơ ứng dụng công nghệ sinh học đang triển khai ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ruộng tôm - lúa của ông Võ Hoàng Toản tại xã Khánh Hòa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đang đến kỳ thu hoạch. Khi những hộ nuôi quy mô công nghiệp đang gặp khó do giá bán thấp, giá vật tư đội cao thì ông Toản cùng nhiều bà con nơi đây rất phấn khởi. Bởi nuôi tôm - lúa bà con không tốn nhiều chi phí, nhưng vẫn đảm bảo sản phẩm tôm sạch, lúa sạch và quan trọng hơn là thân thiện với môi trường.

Ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD - Ảnh 3.

Nuôi tôm - lúa bà con không tốn nhiều chi phí, nhưng vẫn đảm bảo sản phẩm tôm sạch, lúa sạch và quan trọng hơn là thân thiện với môi trường. Ảnh minh họa.

Mô hình "Nuôi tôm sú - lúa hữu cơ phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long" đang được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với doanh nghiệp triển khai tại 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và Kiên Giang.

Bà con tham gia nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chỉ sử dụng sinh học sẽ cho năng suất tôm đạt khoảng 500kg/ha/năm, cao gần gấp đôi so với sản xuất truyền thống. Ngoài ra, còn giúp nâng cao ý thức cộng đồng cho người nuôi tôm.

Trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, nhiều công đoạn gây phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, lượng phát thải ở các mô hình nuôi tôm theo hướng xanh như tôm lúa lại vô cùng thấp, tiệm cận mức NetZero.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào các mô hình sản xuất tôm lúa, quảng canh xanh được xem là giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững - giảm phát thải mà toàn ngành đang hướng đến.

Tôm sú ""khủng"" tại Festival Tôm Cà Mau Tôm sú ''khủng'' tại Festival Tôm Cà Mau

VTV.vn - Nhiều con tôm sú giống có trọng lượng đến 0.5kg một con được quy tụ về Festival Tôm Cà Mau khiến người xem thích thú.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước