Hàng nghìn giấy phép như những hòn đá tảng cản đường các cỗ xe doanh nghiệp. Câu chuyện tưởng như không mới này, cách đây ít ngày lại nóng lên khi hàng loạt DN, hiệp hội trong và ngoài nước có thư kiến nghị lên Chính phủ yêu cầu sửa đổi các quy định trong Nghị định 38, hướng dẫn thực hiện Luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các đơn vị này cho rằng, trong Nghị định 38 có một số nội dung làm nảy sinh các "giấy phép con", gây phiền hà, tốn kém cho DN mà không có tác dụng tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phải trải qua 2 công đoạn để có được ký hiệu in trên nhãn; lấy mẫu kiểm nghiệm đủ các chỉ tiêu hóa lý mất 2 tháng; sau đó, mất thêm 15 ngày chỉ để xin xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP của cơ quan quản lý; nếu phải chỉnh sửa hồ sơ, DN lại chờ thêm 15 ngày nữa. Có nhiều trường hợp phải bổ sung hồ sơ cả chục lần.
Nước mắm chỉ là một trong hàng nghìn sản phẩm đang lưu hành trên thị trường không có quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm. DN tự kiểm nghiệm và tự chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu đã công bố theo Luật ATTP.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho rằng, khi cơ quan quản lý không trực tiếp tiến hành lấy mẫu, thủ tục xin xác nhận công bố là không cần thiết.
Theo ước tính của VASEP, trong 5 năm có hiệu lực, thủ tục này đã ngốn của DN từ 300 - 900 tỷ đồng và hàng triệu ngày chờ đợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!