Trong 10 tháng qua, cả nước đã phát hiện hơn 172.000 vụ buôn lậu, tiền truy thu nộp ngân sách tăng tới 20% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, ngoài phân bón, mỹ phẩm, cơ quan chức năng cho biết hàng giả, hàng kém chất lượng đang khuynh đảo cả thị trường thực phẩm, đồ uống.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, từ tháng 11/2012 đến nay, Sở đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) cho 2.131 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn. Từ tháng 7/2014 đến nay, đã cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 16.000 người đang hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tuy nhiên, dù đã có quy định xử phạt nhưng các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đang chồng chéo khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Trong Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Luật ATTP do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 17/11, ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội than phiền: "Trong khi Khoản 5 điều 19 Nghị định 38/2012 của Chính phủ quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng trên thực tế có rất nhiều mặt hàng có đến 2 - 3 Bộ quản lý, ví dụ như phân bón. Việc phân cấp lực lượng chức năng trong quản lý ATTP tại các chợ, siêu thị cũng chồng chéo".
Có thể thấy, ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm trong lĩnh vực ATTP cũng phải đòi hỏi thận trọng, nếu không việc ngăn chặn thực phẩm, nước uống giả khó đạt kết quả như mong muốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!