Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Có rất nhiều sửa đổi bổ sung của Nghị 65 đúng theo tinh thần Chính phủ luôn đề ra để phát triển thị trường vốn ổn định, minh bạch và bền vững.
Theo đó, doanh nghiệp buộc phải nêu rõ mục đích phát hành trái phiếu để làm gì. Cụ thể theo quy định, mục đích phát hành trái phiếu có thể là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Một điểm của Nghị định 65 theo các chuyên gia mang tính rất cập nhật theo thông lệ quốc tế là trong mục đích phát hành cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại nợ hay còn gọi là đảo nợ. Nhiều người mới nghe có thể thấy hơi không thiện cảm lắm nhưng đây hoàn toàn là một hoạt động tài chính bình thường của doanh nghiệp. Họ có thể phát hành trái phiếu để đảo nợ đảm bảo dòng tiền kinh doanh, miễn sao không trái pháp luật và doanh nghiệp họ đảm bảo đủ nghĩa vụ lãi suất và nợ vay trái phiếu cho nhà đầu tư.
Một quy định khác cũng đáng chú ý là việc Nghị định 65 định nghĩa lại nhà đầu tư chuyên nghiệp để có thể mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Quy định mới sẽ giúp phân biệt được người có tiền với người biết cách kiếm tiền. Ví dụ trước đây đưa ra được một tài khoản có 2 tỷ đồng chứng khoán là được cấp phép nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng bây giờ vẫn 2 tỷ đồng đấy phải là tiền thịt, không có được vay margin và cần được có giao dịch tối thiểu trong 180 ngày. Thời gian có hiệu lực của chứng chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng chỉ trong vòng 3 tháng và sau đấy cần xác minh tiếp lại.
Nghị định 65 mới là động lực giúp các doanh nghiệp có kế hoạch rõ ràng hơn cho các kỳ phát hành trái phiếu tiếp theo. Ảnh minh họa.
Theo ghi nhận của phóng viên VTV, các thành viên thị trường cũng đã có những đóng góp phản hồi tích cực về Nghị định 65. Ghi nhận từ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, Nghị định 65 mới là động lực giúp các doanh nghiệp có kế hoạch rõ ràng hơn cho các kỳ phát hành trái phiếu tiếp theo.
"Chúng tôi có 2 kỳ vọng khi Nghị định này ra đời: Thứ nhất là nó làm minh bạch hóa, rõ ràng hơn các quy định về thủ tục phát hành trong thời gian tới, giúp cho khai thông việc phát hành trái phiếu; Thứ hai là nó cũng giảm thiểu cạnh tranh, vì trước đây chúng tôi cũng phải cạnh tranh các gói trái phiếu của mình với rất nhiều đơn vị khác mà có chuẩn phát hành thấp hơn", TS Phạm Anh Khôi - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản DXS, Đất Xanh Group kỳ vọng.
Ông Bùi Quang Anh Vũ - Tổng giám đốc, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cho hay: "Với việc ra đời của Nghị định 65 sẽ tạo thuận lợi cho vấn đề huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn lực trái phiếu để hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp".
Theo các chuyên gia, Nghị định mới đã quy định rất cụ thể và chặt chẽ hơn đối với việc phân loại nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường. Hơn nữa nghị định giúp tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào sự chặt chẽ của pháp luật và hiểu rõ hơn trách nhiệm nghĩa vụ của mình khi tham gia vào thị trường trái phiếu.
Ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch HĐQT SaigonRatings nhận định: "Họ thực sự là có năng lực tài chính, họ có năng lực về chuyên môn hoạt động trong chứng khoán thì họ mới có khả năng nhận thức được rủi ro, hiểu biết và cũng như tự chịu trách nhiệm về khẩu vị đầu tư, rủi ro mình đã quyết định".
"Nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cá nhân khá đông đảo nhưng thiếu nhà đầu tư có tính chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức. Chúng tôi xác định nhiệm vụ phải phát triển nhà đầu tư có tổ chức đó là các công ty quản lý quỹ, các ngân hàng đầu tư. Còn nhà đầu tư cá nhân có thể sẽ đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chuyên biệt, các quỹ đầu tư trái phiếu được quản lý bởi các nhà đầu tư tổ chức", ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Theo thống kê của KBSV, tính đến năm 2024, tổng nợ đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản lên tới hơn 360 nghìn tỷ đồng. Khoản nợ này đang tạo sức ép rất lớn với các đơn vị phát hành, ngay cả với những đại gia đầu ngành. Do đó, nghị định mới sẽ giúp doanh nghiệp giải tỏa sự chờ đợi và tiếp tục việc huy động vốn trung và dài hạn trên thị trường trong bối cảnh hiện nay.
Tổ chức quốc tế nói về định hạng tín nhiệm
Nghị định 65 là một bước tiến mới kỳ vọng sẽ khơi thông lại kênh trái phiếu doanh nghiệp tương đối trầm lắng thời gian qua. Ảnh minh họa.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những quy định mới đang đưa thị trường trái phiếu gần hơn với thông lệ quốc tế, tạo ra sân chơi mà nhà đầu tư hiểu hơn về sức khỏe và mục đích kinh doanh của doanh nghiệp, để khi họ bỏ tiền mua trái phiếu của doanh nghiệp đó biết rằng tỷ lệ được và mất là bao nhiêu? Tuy nhiên để nhà đầu tư hoàn toàn tự chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư, họ vẫn đang cần một công cụ quan trọng khác đó là định hạng tín nhiệm.
Rất nhiểu nước từ Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) đều bắt buộc trái phiếu doanh nghiệp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm, có nơi không chỉ định hạng 1 lần mà còn 2 lần để đảm báo tính khách quan. Việt Nam có thị trường trái phiếu trái phiếu phát triển rất nhanh nhưng sự phát triển của những cơ quan xếp hạng tín nhiệm lại không tương đồng.
Ông Paul Coughlin - Cựu Giám đốc Toàn cầu S&P Global Ratings đánh giá: "Tôi nghĩ những vấn đề diễn ra thời gian qua ở Việt Nam là bước phát triển cần thiết của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như nhiều quốc gia khác chúng tôi từng tới làm việc. Mảnh ghép còn thiếu của Việt Nam là đơn vị định hạng tín nhiệm nội địa và chúng tôi đang ở đây để hỗ trợ Fiinratings - một trong các doanh nghiệp định hạng xếp hạng tín nhiệm nội địa đầu tiên của Việt Nam.
Điểm khó của các đơn vị này khi bắt đầu là sự chấp nhận của doanh nghiệp và nhà đầu tư vì họ lo ngại chất lượng không được như kỳ vọng, tuy nhiên với 26 năm kinh nghiệm xếp hạng tín nhiệm tại S&P Global Ratings, tôi tin trong sự hợp tác lần này, chúng tôi sẽ nâng cao được chất lượng và uy tín cho dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nội địa ở Việt Nam".
Sự xuất hiện của những tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế ở Việt nam cho thấy họ có niềm tin vào một thị trường trái phiếu của chúng ta còn nhiều tiềm năng phát triển. Nghị định 65 là một bước tiến mới kỳ vọng sẽ khơi thông lại kênh trái phiếu doanh nghiệp tương đối trầm lắng thời gian qua.
Theo tinh thần của Chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục được hoàn thiện từ nâng cao vai trò của xếp hạng tín nhiệm, làm sao để phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn và từ đó trả lời câu hỏi lớn nhất là làm sao để trái phiếu cùng với cổ phiếu trở thành một kênh huy động vốn chính cho doanh nghiệp thay vì chỉ giải quyết 26% nhu cầu vốn hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!