Mục tiêu kép
Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành 2 Nghị quyết: Nghị quyết 01/NQ-CP đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Cùng với đó là Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong đó cụ thể hóa những cải cách, đổi mới của Luật Doanh nghiệp, đồng thời khắc phục những bất cập, xử lý những vướng mắc trong thời gian qua.
Đáng chú ý tại Nghị quyết 01, Chính phủ đã đặt ra 12 mục tiêu phấn đấu về kinh tế - xã hội cho năm 2021. Tại đây, có những mục tiêu vượt kế hoạch mà Quốc hội giao. Theo đó năm 2021, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng kinh tế 6,5%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với Quốc hội giao.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Chính phủ xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Đây là nhiệm vụ mà năm 2020, nước ta đã hoàn thành rất tốt khi vừa kiểm soát được đại dịch COVID-19 mà vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,91%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm song cao hàng đầu trên thế giới.
"Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, khoa học công nghệ… vừa là thời cơ, vừa là thách thức, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan với những kết quả đã đạt được mà cần phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong năm 2021 và thời gian tới", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết hôm 4/1.
Guồng quay "nóng máy"
"Không tổ chức đi chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức, không sử dụng xe công, tiền công vào hoạt động lễ hội, vui chơi. Cần lăn xả vào công việc ngay từ đầu năm mới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phần kết luận của Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương hôm 29/12/2020.
"Không tổ chức đi chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ngay trong những ngày đầu năm 2021, guồng quay kinh tế đã ngay lập tức "nóng máy". Theo đó, hàng loạt dự án hạ tầng lớn được khởi công với sự động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – Dự án thành phần 3, công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình Mở rộng, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia…
Cùng với nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn được khánh thành hoặc thông tuyến kỹ thuật trong những ngày gần đây như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hầm Hải Vân 2, tuyến Lộ Tẻ- Rạch Sỏi, dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất…, đây là những công trình lớn có ý nghĩa lan tỏa, được lãnh đạo Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, rốt ráo trong suốt thời gian qua.
Thủ tướng cần phát huy "cỗ xe tam mã" gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2021
Tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành công thương hôm 7/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa nhấn mạnh về mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Theo Thủ tướng để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần phải phát huy hơn nữa "cỗ xe tam mã" gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư.
"Năm 2021, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6%. Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng 6,5% với các động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư. "Cỗ xe tam mã" này phải tiếp tục phát huy trong năm 2021 với quy mô lớn hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Kịch bản kinh tế nào cho năm 2021?
Hôm 15/1, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98%. Kịch bản 2 là tăng trưởng 6,46%. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong kịch bản 1 và tăng 5,06% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỉ USD và 7,24 tỉ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%.
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đưa ra 2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2021
Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban, Ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM, kinh tế sẽ thực sự bứt tốc kể từ nửa cuối năm 2021. Ông Dương nhận định diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố.
"Kinh tế thế giới còn rất bất định, rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn đang hiện hữu. Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục các biện pháp để kiềm chế Trung Quốc về kinh tế - thương mại - công nghệ và có thể củng cố được liên minh với một số nước đối tác để thực hiện các biện pháp này.
Xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến cho các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam. Ngoài ra, dịch COVID-19 và các biến thể còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo", ông Dương nhận định.
Các chuyên gia của CIEM nhấn mạnh, cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong bối cảnh "bình thường mới".
"Hội nhập, cải cách và phát triển bền vững sẽ không thể tiếp tục đi song song, mà phải "bện chặt" với nhau hơn", TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
Những tín hiệu lạc quan
Hôm qua (18/1), trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng Thế giới World Bank đã tiếp tục đưa ra những thống kê hết sức khả quan, được xem là tiền đề cho đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021.
Theo World Bank, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong tháng 12, trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong tháng 12, trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Vào tháng 12/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại sau đợt sụt giảm ngắn trong tháng 11. Chỉ số này đã tăng 11,1% (so với cùng kỳ năm trước), là mức tăng trưởng cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 2.
Những dự báo tích cực tiếp tục đến với kinh tế Việt Nam trong năm 2021
Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng từ 49,9 trong tháng 11 lên 51,7 trong tháng 12, báo hiệu sự mở rộng của ngành công nghiệp chế biến. Cùng với đó, doanh số bán lẻ (SA) tăng trưởng ở mức 9,4% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 12/2020, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 2/2020…
Trước đó vào cuối tháng 12/2020, World Bank đã dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo.
"Việt Nam đã đạt được thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng COVID-19"
Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam
Dự báo về tốc độ tăng trưởng trong năm 2021, ngân hàng HSBC cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu, dòng vốn FDI bền bỉ và nhiều hiệp định thương mại được ký kết.
Theo đó dù hạ mức dự báo tăng trưởng so với dự báo trước đó là 8,1%, HSBC vẫn tin tưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,6% trong năm 2021, chủ yếu do sự phục hồi của ngành du lịch vẫn bị kéo dài. Các chuyên gia của HSBC cho rằng, mặc dù Việt Nam đã sẵn sàng để vượt lên so với các nước trong khu vực vào năm 2021.
Năm 2021 mới đi qua những ngày đầu tiên, những thách thức vẫn còn ở phía trước. Song Thủ tướng đã từng nói xác định khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp 3. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu"; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam, không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua.
Theo Thủ tướng, không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua
"Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt, bắt đầu một giai đoạn phát triển mới của đất nước để hướng tới các mục tiêu năm 2030 và năm 2045. Nền kinh tế chúng ta, đất nước chúng ta đang tiến nhanh về phía trước với tốc độ mà một số đánh giá cách đây ít năm cho rằng khó có thể xảy ra.
Dù nhiệm kỳ này hay những nhiệm kỳ sau, chúng ta rất cần tận dụng từng giây phút, chắt chiu từng cơ hội để đất nước tiếp tục tiến nhanh hơn nữa về phía trước như tinh thần dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng sắp khai mạc", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!