Nghịch lý BĐS thời COVID-19: Hàng ế, giá cao!

Hoàng Nga-Thứ tư, ngày 12/08/2020 20:50 GMT+7

(Ảnh minh họa)

VTV.vn - Theo đó, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019.

Lượng giao dịch BĐS giảm kỷ lục do "thấm đòn" COVID-19

Báo cáo trước đó của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng sản phẩm bất động sản giao dịch thành công trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường. Thanh khoản bất động sản ở mức như trên thấp nhất trong vòng 4 năm qua, và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến hết thời điểm tháng 4 vừa qua, các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đều ngừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu.

Nghịch lý BĐS thời COVID-19: Hàng ế, giá cao! - Ảnh 1.

Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019.

Bộ Xây dựng thống kê, nguồn cung nhà ở quý I năm nay hạn chế, nhiều địa phương trên cả nước có xu hướng nguồn cung nhà ở giảm so với quý trước và cùng kỳ năm 2019. Sang quý II, tình hình giao dịch được cải thiện hơn, dù vẫn thấp hơn so với các năm trước.

Thế nhưng, từ đầu tháng 8, ngay khi dịch bệnh bùng phát trở lại, thị trường đang chứng kiến mức giảm sút lớn trong các giao dịch, nhiều phân khúc bất động sản sụt giảm mạnh. Đặc biệt, phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng ngày càng trở nên u ám.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, với các doanh nghiệp bất động sản, vừa trải qua đợt khó khăn, mới hoạt động trở lại sau vài tháng lại tiếp tục gặp dịch bệnh nên sự tổn thất về nhân sự, tài chính sẽ khá lớn.

Với khách hàng, nguồn tài chính eo hẹp hơn, họ sẽ tập trung vào việc giữ tiền mặt để ưu tiên những nhu cầu thiết yếu, hạn chế tập trung đi lại và điều này sẽ ảnh hưởng đến sức mua của bất động sản.

Báo cáo khảo sát của Real Capital Analytics cho thấy, lượng giao dịch BĐS văn phòng ở châu Á - Thái Bình Dương trong quý II/2020 giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với phân khúc bất động sản bán lẻ, con số còn đáng quan ngại hơn giảm 68%.

Giá bất động sản vẫn tăng

Theo Bộ Xây dựng, trong quý II vừa qua, chỉ tính riêng phân khúc chung cư, tại Hà Nội giá tăng khoảng 0,16% so với quý I, TP.HCM tăng 0,25%. Giá nhà riêng lẻ cũng tăng nhẹ.

Giải thích lý do tăng giá, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, đây là điều bất đắc dĩ.

"Giữa việc bán giá thấp mà bán được hàng, so với việc đưa ra giá cao mà ế hàng, ai cũng muốn chọn bán giá thấp, đẩy được hàng nhanh. Nhưng mà với thủ tục hiện nay, chi phí xây dựng, vật liệu tăng, nếu bán giá thấp, doanh nghiệp chịu lỗ, không thể kham được", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản toàn cầu GP.Invest cho rằng hay.

Nghịch lý BĐS thời COVID-19: Hàng ế, giá cao! - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản chia sẻ việc tăng giá là điều bất đắc dĩ

"Chi phí giá đất cho các dự án BĐS ngày càng cao, nên giá tăng là không thể tránh khỏi. Cần có chính sách giảm giá đất, giá nhà, người dân mới có cơ hội mua được nhà. Nếu không, người dân càng ngày càng khó mua chung cư, đất nền", ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phân tích.

Việc quỹ đất khan hiếm, chi phí đầu vào cao, khiến thị trường khan hiếm dự án mới. Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, trong quý I, tại 2 thành phố lớn của cả nước đều không có dự án nhà ở nào được cấp phép mới. Sang quý II, tình hình mới được cải thiện, với 8 dự án tại Hà Nội, và 4 dự án tại TP HCM.

Để kiểm soát giá nhà ở, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ cùng các Bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên cố gắng cắt giảm các thủ tục hành chính trong vấn đề cấp phép dự án mới, làm cho quy trình ngắn lại, gọn hơn, tránh kéo dài làm tăng chi phí đẩy vào giá thành.

Ngoài ra, Chính phủ nên xem xét kiến nghị của một số doanh nghiệp trong vấn đề đóng tiền đất và thuế đất. Theo kiến nghị này, Chính phủ nên xem xét thu tiền đất, tiền thuế đất theo đợt, hoặc chia kỳ thay vì nộp 100% giá trị đất, thuế đất như trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước