Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính của sự việc này là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương.
Gia đình ông Cảnh và một số hộ dân khác đã mua đất tại khu đô thị Đình Trám - Sen Hồ, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, từ cách đây 3 năm trước. Đến nay, sổ đỏ đã có, giấy phép xây dựng cũng đã được cấp, nhưng họ vẫn không thể xây nhà.
"Khi làm nhà, người dân không cho chúng tôi làm. Người ta bảo đấy là ruộng của người ta, họ chưa lấy tiền bồi thường. Hiện chúng tôi cũng đã có sổ đỏ", ông Nguyễn Văn Cảnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cho biết.
Nhiều hộ dân mua đất tại khu đô thị Đình Trám - Sen Hồ, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, từ cách đây 3 năm trước, nhưng họ vẫn chưa thể xây nhà.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, riêng phần đất người dân được cấp sổ đỏ, đủ điều kiện làm nhà, doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước. Những người cản trở xây dựng vốn là các hộ dân bị giải phóng mặt bằng để làm dự án từ cách đây vài năm trước.
"Do hiểu biết về pháp luật chưa đầy đủ nên người dân địa phương ra cản trở. Việc người dân cản trở là vi phạm pháp luật. Khi giải phóng mặt bằng, có trường hợp không đồng tình, huyện đã báo cáo tỉnh và cũng có quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Tiền của người dân đã được gửi vào Kho bạc Nhà nước. Địa phương có trách nhiệm tuyên truyền, giải thích để cho người dân quyền và trách nhiệm của họ, việc họ ngăn cản là vi phạm pháp luật. Ngoài ra chúng tôi cũng đã giao cơ quan công an để xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự khi người dân có nhu cầu xây dựng", ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nhận định.
Các doanh nghiệp kỳ vọng công tác giải phóng mặt bằng sẽ được đẩy nhanh hơn để thu hút các nhà đầu tư và ổn định cuộc sống của người dân địa phương.
Dự án Đình Trám - Sen Hồ có quy mô hơn 100ha, chia thành 2 khu, được coi là dự án trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội tại Bắc Giang. Tuy nhiên, vì vướng giải phóng mặt bằng, dự án đã kéo dài suốt 8 năm nay. Hiện vẫn còn một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
"Người dân đòi hỏi chế độ chính sách, giá đền bù cao hơn so với giá hiện tại. Ngoài ra, họ còn đòi hỏi quy chế đất dịch vụ. Mặc dù theo Luật Đất đai năm 2013, cơ chế đất dịch vụ hiện tại không còn, nên công tác giải phóng mặt bằng chưa được thuận lợi như mong muốn", ông Vương Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lam Sơn, chia sẻ.
Hiện Bắc Giang đang là điểm sáng thu hút đầu tư của cả nước. Các doanh nghiệp kỳ vọng công tác giải phóng mặt bằng sẽ được đẩy nhanh hơn để thu hút mạnh các nhà đầu tư và ổn định cuộc sống của người dân địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!