"Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định"

PV-Thứ năm, ngày 28/01/2021 15:23 GMT+7

VTV.vn - Đây là nhấn mạnh của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Công Thương trong phần trình bày tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc Lần thứ XIII.

Bài tham luận của đồng chí Trần Tuấn Anh có nội dung "Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu".

Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, bối cảnh và tình hình thế giới đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức to lớn nhưng cũng tạo nên cơ hội vô cùng quí giá để có thể tận dụng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và vươn lên mạnh mẽ.

Dòng chảy đầu tư của thế giới vốn đang trong quá trình dịch chuyển, cộng thêm tác động của dịch COVID-19 càng làm cho đích đến của các nguồn vốn đầu tư chuyển về các địa bàn có môi trường ổn định, trong đó Việt Nam đang trở thành điểm sáng, ngày càng chiếm được lòng tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới. Tiến trình hội nhập quốc tế với quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam đã tiếp tục giúp nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư... không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống. Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển.

Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định - Ảnh 1.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương trình bày tham luận

"Để có thể tận dụng được thời cơ này, giúp Việt Nam có thể nâng cao được vai trò, vị thế trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững, cần bám sát quan điểm xuyên suốt mà Đảng ta đã xác định, đó là: "Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định"", đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh trong tham luận.

Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, trọng tâm là tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.

Tại đây có 5 định hướng cần tập trung:

- Thứ nhất, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất công nghiệp; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu; kết nối, hợp tác để tăng cơ hội kinh doanh mới (dựa trên nền tảng công nghệ số như thương mại điện tử, tài chính số...), tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái số.

- Thứ hai, thực hiện có hiệu quả việc phân bổ nguồn lực cho phát triển, tập trung nguồn lực tạo ra các cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển mạnh trong các ngành, lĩnh vực. Tiếp tục phát huy vai trò của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân trong nước trong các ngành quan trọng như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ phân phối, chế biến nông sản, sắt thép...; coi trọng sự đóng góp của khối doanh nghiệp FDI trong việc nâng cao chất lượng chuyển đổi công nghệ, tạo sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước để nâng cao giá trị gia tăng của các ngành.

- Thứ ba, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh. Tập trung xem xét xây dựng các Luật mới trong một số ngành, lĩnh vực mới để tạo lập nên các cơ chế mới mang tính nền tảng cho phát triển các ngành, lĩnh vực.

- Thứ tư, tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu.

- Thứ năm, tăng cường thu hút đầu tư để mở rộng sản xuất cho phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh diễn biến phức tạp từ tình hình căng thẳng chính trị, xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thế giới. Thực hiện có hiệu quả chủ trương, định hướng của Đảng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng dựa vào các lợi thế cạnh tranh động (tay nghề người lao động, năng lực sáng tạo, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi...) thay vì các lợi thế cạnh tranh tĩnh, kém bền vững và ít lợi thế dài hạn (như tài nguyên, lao động phổ thông, cơ chế ưu đãi...) để khu vực FDI có thể gắn kết chặt chẽ hơn, đóng góp nhiều hơn vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất và giá trị tạo ra trong nước.

"Tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhưng đồng thời nâng cao tính độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế của nước ta thời gian tới vừa là yêu cầu, đòi hỏi nhưng cũng vừa là phương châm, cách thức để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng được những cơ hội để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển sắp tới", đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước