"Không làm gì mà vẫn có tiền" - khẩu hiệu "nổi tiếng" mang hơi hướng kinh doanh đa cấp biến tướng này - đã từng được báo chí đề cập đến rất nhiều thời gian qua. Tưởng chừng đã bị xã hội tẩy chay vì sự thiếu thực tế của nó nhưng tại một số vùng quê, người dân vẫn bị lôi kéo vào những chiêu trò kinh doanh tương tự.
Báo Nông thôn ngày nay đã phản ánh câu chuyện của nhiều hộ dân tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định những ngày qua sống trong cảnh "mất ăn mất ngủ" vì tham gia chương trình "click chuột để lấy tiền thù lao" của công ty TNHH Quảng cáo trực tuyến DDB.
Trước hết, người tham gia phải đặt cọc 12 triệu đồng, ký hợp đồng với thời hạn một năm, hết hợp đồng này ký hợp đồng khác. Hình thức tham gia rất đơn giản, sau khi nộp tiền, công ty sẽ cấp cho mỗi khách hàng một chiếc USB. Nhiệm vụ của khách hàng là đều đặn mỗi ngày gắn USB đó vào máy tính, kích hoạt và chỉ việc click chuột vào các quảng cáo hiện ra. Chỉ cần click chuột vào 25 quảng cáo/ngày, cuối tháng, khách hàng sẽ nhận được mức lương 750.000 đồng/tháng và 1.000.000 đồng tiền gốc. Chỉ cần một năm là lấy đủ vốn, thời gian sau sẽ lấy tiền lời.
Ai ký hợp đồng càng nhiều thì tiền nhận hàng tháng cứ thế nhân lên. Vì thế, có người vào đến 100 "chân", nộp đến 1,2 tỷ đồng.
Đến nay, các trang web của công ty DDB đã ngừng hoạt động, những khách hàng tham gia đứng trước nguy cơ mất số tiền đầu tư vô cùng lớn. Công an huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho hay, đây là phương pháp huy động tài chính bất hợp pháp. Tổng thiệt hại của người dân có thể lên tới hơn 100 tỷ đồng.
Đây không phải câu chuyện đầu tiên người dân bị mất tiền vì tin vào kiểu kinh doanh mang hơi hướng đa cấp biến tướng như thế này. Vậy, vì sao hình thức này vẫn thu hút được nhiều người tham gia đến thế?
Có thể thấy, những hình thức huy động vốn bất hợp pháp như câu chuyện các báo đăng tải diễn ra tại các vùng quê, nơi mà người dân ít được tiếp với các thông tin hoặc thiếu hiểu biết. Một vấn đề nữa có thể thấy trong lời kể của người dân, các công ty thường về các địa phương để tiếp cận, thậm chí là mở hội thảo để thu hút khách hàng.
Như vậy, nếu các cơ quan quản lý tại địa phương phát hiện kịp thời dấu hiệu lừa đảo trong cách thức huy động vốn của các công ty này ngay từ đầu thì có lẽ những đồng tiền tích cóp bấy lâu của người dân sẽ không đổ vào những kiểu kinh doanh "phép màu siêu lợi nhuận", rồi đột nhiên biến mất như câu chuyện trên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!