Bất chấp những khó khăn hiện tại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhiều chuyên gia dự báo, hàng trăm triệu người tiêu dùng Trung Quốc, nhất là giới trẻ sẽ chi rất nhiều tiền để mua những sản phẩm được giảm giá có thể lên tới 50-70%. Tuy nhiên, đằng sau con số hàng tỷ USD lợi nhuận của các tập đoàn và sức mua khổng lồ của người Trung Quốc, còn rất nhiều những câu chuyện đáng cảnh báo.
Nhân ngày lễ Độc thân, Tập đoàn Alibaba ứng trước 2.000 tệ cho mỗi khách hàng tiềm năng cùng mức lãi suất 0% trong tháng đầu tiên để có thể tha hồ mua sắm.
Chị Wang YuanYuan, một người dân Trung Quốc cho biết: “Nhiều lúc tôi cảm thấy như bị nghiện bởi đồ gì cũng giảm giá. Cứ thấy giảm là tôi phải nhấn chuột và mua dù nó có thể không phù hợp dành với tôi”.
YuanYuan chỉ là một trong số hàng triệu người tiêu dùng Trung Quốc bị cuốn vào vòng xoáy tiêu dùng dù biết không dễ để trả được món nợ sau khi đã mua hàng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cũng đã nhận ra rằng, mức giảm của nhiều sản phẩm trong ngày này chỉ là giả khi mà trước đó cả tháng giá của sản phẩm đã bị thổi phồng hơn thực tế.
Một người tiêu dùng Trung Quốc nói: “Năm ngoái tôi mua chiếc máy nghe nhạc iPod giảm giá trên mạng. Chất lượng của sản phẩm này phải nói là tồi tệ”.
Thậm chí, nhiều cơ quan chức năng cũng đã đưa ra cảnh báo về thực trạng này. Ông Li Hong, Sở Công Thương Thượng Hải, cho biết: “Do tâm lý chuộng đồ giảm giá nên nhiều công ty đã lợi dụng đợt này quảng cáo sai sự thât. Người tiêu dùng phải cảnh giác”.
Thực tế cho thấy, sẽ rất khó có thể cưỡng lại sức hút từ ngày lễ mua sắm lớn nhất này tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng cẩn trọng và lựa chọn thông minh, ngày lễ sẽ thực sự ý nghĩa hơn đối với cả người bán và người mua.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.