Nga dự báo trung bình giá khí đốt xuất khẩu của nước này sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm nay lên mức 730 USD/1.000 m3 trước khi giảm dần đến cuối năm 2025 khi xuất khẩu khí đốt thông qua các đường ống dẫn giảm.
Giá khí đốt tăng vọt thúc đẩy nhiều người chuyển sang sử dụng các liệu nhiên liệu có giá rẻ hơn như than đá và điều này đang đẩy cao nhu cầu tiêu thụ than trên toàn cầu.
Trong một dự báo vào tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng nhu cầu than của thế giới trong năm nay sẽ tái lập kỷ lục thiết lập vào năm 2013 và trong năm tới.
Chưa từng có mùa hè nào như năm nay, ai cũng muốn mua than tích trữ, đây là lời chia sẻ của đại diện nhà cung cấp than có tuổi đời trăm năm ở Berlin.
Ông Engelke đang luôn tay luôn chân đóng bao than, xếp lên giá chờ giao cho khách. Đơn hàng tăng nhanh, với lượng đơn đặt mua kín lịch tới tận tháng 10.
Tại Đức, người dân đang gấp rút mua than đá để sưởi ấm cho mùa đông. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Khách hàng trước đây đa số là người cao tuổi, thường phụ thuộc hoàn toàn vào than và sống trong những căn nhà cũ chưa từng được cải tạo, nhưng nay có rất nhiều khách hàng mới.
"Đây là lần đầu tiên tôi mua than sau nhiều năm. Tôi thường chỉ đun bằng gas và chỉ dùng củi để làm bếp. Nhưng với giá gas tăng, rồi lượng khí đốt ít hơn, bạn phải có giải pháp thay thế. Dù nó không tốt cho sức khỏe, hơi ấm từ than vẫn tốt hơn là chịu rét", ông Jean Blum, người dân Berlin, Đức, chia sẻ.
Nhiều nhà cung cấp than ở Berlin đang cạn nguồn cung khi nhiều ngành nghề tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu quay lại sử dụng loại nhiên liệu này. Giá than đã tăng hơn 30% trong mùa hè, nhưng vẫn rẻ hơn so với củi, vốn đã tăng giá hơn gấp đôi.
"Than đang thiếu hụt không chỉ ở Berlin, mà trên toàn nước Đức, bởi vì các mỏ đang khai thác không kịp nhu cầu. Chúng tôi đang chứng kiến một lượng khách hàng mới đổ xô đến, điều chưa từng thấy trước đó đối với nhiên liệu hóa thạch. Dù đa phần người dân dùng lò sưởi gas ở nhà, nhưng họ vẫn có bếp để có thể sử dụng than. Cung đang không theo kịp cầu", ông Frithjof Engelke, đại diện một cơ sở cung cấp than, cho biết.
Chính phủ Đức đã tái khởi động các nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của một số ngành công nghiệp. Tuy nhiên, Berlin khẳng định vẫn duy trì cam kết loại bỏ nguồn năng lượng gây ô nhiễm này vào năm 2030.
Nga là nguồn đáp ứng 45% nhu cầu nhập khẩu than của EU. Việc lệnh cấm than của Nga từ 11/8 vừa qua đang đặt ra áp lực lớn lên nguồn cung than cho cả lục địa già trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga ngày càng giảm.
Fitch dự báo giá than nhiệt sẽ bình quân ở mức 320 USD/tấn trong năm nay, cao hơn 40% so với dự báo trước đó.
Hiện tại, khách hàng của ông Engelke được thông báo phải đợi ít nhất hai tháng mới được giao than, nhưng mọi thứ có thể sẽ còn tệ hơn nữa khi trời bắt đầu trở lạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!