Trong cuộc họp, một đại biểu Quốc hội kể lại rằng, khi lên Sơn La thấy địa phương có chương trình làm rau sạch, nhưng lúc về cả đoàn mỗi người chỉ được chia một lá rau sạch vì khan hiếm.
Trên báo Tuổi trẻ, một doanh nghiệp than thở, mỗi năm phải tiêu hơn 20 tỷ đồng cho việc xét nghiệm hồ tiêu sạch đủ tiêu chuẩn xuất sang EU. Mua container 25 tấn hồ tiêu của Việt Nam phải gom từ hàng trăm vườn, dễ nhiễm chéo chất lượng. Trong khi tại Brazil hay Indonesia, chỉ cần mua hồ tiêu của vài nông dân đã đủ chuyến hàng, dễ truy xuất và quản lý chất lượng.
Hai câu chuyện trên chỉ là hai ví dụ trong cơn khát nông sản sạch của người tiêu dùng trước ma trận thực phẩm bẩn bủa vây như hiện nay. Nhưng nghịch lý thay, nông nghiệp hữu cơ, kỹ thuật nuôi trồng đứng về phía sức khỏe của con người lại đang loay hoay giữa ngã ba đường.
Dạo qua thị trường sẽ thấy tràn ngập các sản phẩm đạt chuẩn nông sản hữu cơ. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT vẫn đang trong quá trình hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Còn chi phí để các tổ chức nước ngoài cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ phải mất đến 5.000 USD/năm. Nếu chỉ mời tổ chức quốc tế về đánh giá, cấp chứng nhận hữu cơ cho diện tích nhỏ, vài ha trở lại, chi phí càng đội lên nhiều hơn. Thành ra, nhiều bao bì sản phẩm ghi đạt chuẩn hữu cơ, nhưng mà là hữu cơ tự phong.
Theo tờ Thời báo kinh doanh, phải có đến 80 - 90% người Việt cho rằng nguồn gốc sản phẩm là yếu tố then chốt quyết định họ sẽ sử dụng thương hiệu nào. Thế nhưng với những sản phẩm hữu cơ mà sự kiểm định chất lượng chưa rõ ràng như hiện nay, rất khó xây được nền móng niềm tin trong tâm trí người tiêu dùng.
Một bài viết trên Thời báo kinh tế Việt Nam nói rằng, việc xây dựng thương hiệu trên nền tảng chất lượng là vũ khí cạnh tranh tối ưu của doanh nghiệp. Mong rằng trong tương lai thật gần, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam sẽ là một thương hiệu uy tín trong và ngoài nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!