Tmall, Taobao, Pinduoduo và JD.com là những trang web và ứng dụng thương mại điện tử đã quá quen thuộc tại Trung Quốc. Nhưng chỉ bất cẩn gõ nhầm một chút, người tiêu dùng có thể bị dẫn đến hàng nghìn ứng dụng mua sắm mạo danh. Giao diện bắt chước y hệt ứng dụng gốc và tên gọi dĩ nhiên được đặt để cố ý gây nhầm lẫn.
Thực tế, những sự kiện mua sắm quy mô lớn như Lễ Độc thân 11/11 vừa qua, người tiêu dùng có xu hướng mua nhanh sắm vội để giành giật những ưu đãi hời nên xu hướng rơi vào các trang web và ứng dụng giả càng cao.
Theo công ty bảo mật 360 Security Brain, chỉ trong tháng 10 vừa qua, đã có tới 4.000 ứng dụng mua sắm giả mạo đã được tải về các thiết bị di động ở quốc gia tỷ dân. Một số ứng dụng còn cài cắm thêm các chiêu trò lừa đảo như hứa hẹn tặng voucher, quà giá trị cao... nhưng phải chuyển khoản đặt cọc trước.
Nếu mua phải hàng giả đã bực mình thì dùng những ứng dụng giả còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn, từ mã độc, phát tán virus đánh cắp mật khẩu tài khoản, thông tin ngân hàng hay đơn giản là lừa đảo lấy tiền.
Sau sự kiện mua sắm 11/11 vừa qua, Trung Quốc đã ghi nhận 127 nạn nhân bị lừa tiền, tổng thiệt hại lên tới 1,15 triệu Nhân dân tệ (khoảng 3,8 tỷ đồng).
Ứng dụng giả vẫn tràn lan tại Trung Quốc buộc những công ty công nghệ lớn như Apple đã xóa bỏ khỏi cửa hàng ứng dụng App Store tại Trung Quốc hơn 25.000 ứng dụng giả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!