Theo khảo sát của Nielsen, khoảng 76% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên chọn các sản phẩm nội địa theo khảo sát của Nielsen, những con số tích cực cho thấy hàng Việt đang ngày càng có chỗ đứng trên "sân nhà".
Tận dụng những lợi thế như giá thành cạnh tranh, cung ứng dễ dàng và sự thấu hiểu văn hoá bản địa cũng như người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt cùng với sự hỗ trợ đắc lực từ cuộc vận động: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tích cực đầu tư dây chuyền công nghệ, tập trung vào chất lượng và đến nay đã phủ sóng rộng khắp từ các chợ truyền thống, đến các hệ thống phân phối hiện đại với tỷ trọng cao.
Theo đại diện Bộ Công Thương, bên cạnh những yếu tố trên, dịch bệnh COVID-19 trong năm qua cũng là một cú hích mạnh mẽ cho hàng Việt Nam, khi xuất nhập khẩu gián đoạn và người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu sản xuất trong nước hơn. Hiện nay, hàng nội địa đã có mặt trong chuỗi hơn 1.100 siêu thị lớn và hàng loạt các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini trên khắp cả nước.
Đáng chú ý, sự tăng cường liên kết giữa nhà sản xuất hàng Việt Nam và kênh phân phối trong nước cũng được thể hiện rõ qua các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết chuỗi giá trị. Đặc biệt, trong những dịp cao điểm mua sắm như trước Tết Nguyên Đán, nhiều kênh phân phối còn sớm chủ động tăng cường tỷ lệ hàng nội địa nhằm đẩy mạnh doanh thu cuối năm, tăng lượng hàng hoá trung bình từ 2 - 3 lần so với những tháng trước.
Đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định, chính các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là hàng thiết yếu đang đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng, và có thể nói "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giờ đây không còn chỉ là một cuộc vận động mà đã trở thành tiêu chí của nhiều người tiêu dùng trong các kênh bán lẻ từ truyền thống, hiện đại đến các trang thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, những chương trình như mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng đã góp phần làm cho bức tranh hàng Việt thêm sinh động, giúp tăng đáng kể sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, trước tiên là ngay trên "sân nhà".
Khảo sát một số siêu thị tại Hà Nội, đa số người tiêu dùng đều đánh giá cao sự tiện dụng, chất lượng của các sản phẩm OCOP.
"Mẫu mã bao bì tương đối đẹp, thông số chi tiết tương đối đầy đủ để khách hàng có thể biết được chất lượng sản phẩm. Tôi đi tất cả những nơi tôi đều mua đặc sản ở vùng đó, ví dụ như tôi đi Bắc Kạn thì tôi mua miến ở đó, mỗi sản phẩm đều có tính chất vùng miền mình đều muốn thưởng thức", ông Trần Hùng, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội chia sẻ.
Còn theo quan điểm của một số người tiêu dùng khác, ngoài sự tiện lợi thì các sản phẩm OCOP tại đây có giá bán khá hợp lý, đặc biệt có mẫu mã, bao bì bắt mắt.
Chị Trịnh Minh Hà, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội cho biết: "Các sản phẩm có mức giá hợp lý. Nếu mà mình tính công đi đến tận nơi mua và mang về thì việc mua ngay ở các siêu thị tại Hà Nội sẽ tiện hơn cho mình rất nhiều".
Có thể thấy rằng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng với các sản phẩm đặc trưng vùng miền là tương đối lớn, chính vì thế, các hệ thống siêu thị đang có những hỗ trợ tích cực trong việc trưng bày, đẩy mạnh các sản phẩm OCOP. Dù đóng góp tỷ lệ doanh thu chưa quá ấn tượng, nhưng các sản phẩm này đang góp phần làm đa dạng nguồn cung cho các kênh phân phối nói riêng và tăng sức cạnh tranh, khẳng định giá trị chất lượng cho hàng hoá sản xuất tại Việt Nam nói chung.
Sau tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh COVID-19 đến nguồn cung, xuất nhập khẩu, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang rất sẵn sàng đón nhận những sản phẩm nội địa, đặc biệt trong dịp mua sắm Tết Tân Sửu năm nay, khi mà người tiêu dùng có xu hướng quay trở lại nhiều hơn với các sản phẩm đơn giản, gần gũi với văn hoá bản địa thì đây có thể là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!