Nguy cơ cuộc chiến giá gạo ở châu Á

VTV Digital-Thứ ba, ngày 26/07/2022 15:10 GMT+7

VTV.vn - Nhiều nước xuất khẩu gạo tại châu Á đang cạnh tranh giá để tìm người mua do tình trạng dư thừa gạo.

Giá lúa mì, ngô toàn cầu đang tăng vọt vì xung đột Nga - Ukraine, khiến nhiều người không mua được lương thực cần thiết. Tuy nhiên, một số nước châu Á lại đang đối mặt với vấn đề ngược lại, đó là tình trạng dư thừa gạo, có nguy cơ tác động đến nguồn thu xuất khẩu của họ.

Nguy cơ cuộc chiến giá gạo ở châu Á - Ảnh 1.

Một chủ đại lý gạo ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) hồi tháng 4. (Ảnh: THE BANGKOK POST)

Thái Lan hiện đứng đầu danh sách các quốc gia phải đối mặt với tình trạng bất ngờ dư thừa gạo khi thời tiết tại các khu vực trồng lúa ở châu Á thuận lợi. Với 420 USD một tấn, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang dao động trong biên độ vài phần trăm so với giá đầu năm 2021.

Trong khi đó, ngược lại với lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, Ấn Độ đang cố gắng bán nhiều gạo hơn ra quốc tế. Quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này đã bán trung bình 22 triệu tấn gạo mỗi năm trong vài năm qua, chiếm 50% toàn cầu.

Cuộc cạnh tranh về giá gạo vốn đã vô cùng khốc liệt. Theo giới thương nhân, Ấn Độ có thể chào giá thấp tới 343 USD/tấn - thấp hơn nhiều so với mức 388 USD của Pakistan và 418 USD của Việt Nam. Thái Lan chào giá 420 USD do chi phí sản xuất cao hơn.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự đoán giá gạo thế giới tiếp tục chịu áp lực. Vụ thu hoạch chính của Thái Lan sẽ rơi vào tháng 10, có thể thu về 24 triệu tấn thóc.

Một nhà xuất khẩu tại Thái Lan đánh giá 2022 sẽ tiếp tục là một năm thảm họa khi không dự báo được giá gạo sẽ giảm sâu đến mức nào. Điều này buộc chính phủ Thái Lan phải có kế hoạch can thiệp để hỗ trợ nông dân.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tán đồng quan điểm giá gạo sẽ ở mức thấp. Một trong các lý do là sự thiếu hụt phân bón có thể khiến giá gạo dần tăng lên.

Nga là nước xuất khẩu số một thế giới về nitơ, thứ hai về kali và thứ ba về phốt pho. Đây là những thành phần chính của phân bón và đang khan hiếm, đắt đỏ hơn do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Theo Chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên ở Nhật Bản Akio Shibata, châu Á không thể cứ lạc quan về nguồn cung mặt hàng chủ lực. "Nếu giá phân bón tiếp tục tăng và nguồn cung bị gián đoạn, giá gạo có thể sẽ tăng theo giá lúa mì và ngô", ông Shibata cảnh báo.

Nông dân Thái Lan thường phụ thuộc vào thuốc trừ sâu, phân bón hóa học đắt tiền. Hàng năm, Thái Lan nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn phân bón.

Điều này khác biệt so với các đối thủ như Việt Nam, Ấn Độ. Trong nhiều năm, Việt Nam đã nghiên cứu để phát triển các giống lúa mới cũng như kỹ thuật trồng giúp cắt giảm chi phí sản xuất. Còn Ấn Độ, Pakistan tận dụng lợi thế về quy mô kinh tế cùng nhân công giá rẻ.

Do đó, năng suất lúa gạo của Thái Lan vẫn ở mức thấp so với Việt Nam. Sự gián đoạn trong nguồn cung phân bón có thể làm giảm thêm năng suất lúa gạo của Thái Lan.

Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cũng cảnh báo châu Á có khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng phân bón được dự báo sẽ gây thiệt hại vụ mùa lúa gạo trong 12 tháng tới.

Gạo xuất khẩu tiếp tục giữ giá cao Gạo xuất khẩu tiếp tục giữ giá cao

VTV.vn - Theo Bộ Công Thương, những ngày đầu tháng 6, giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng 10 - 15 USD/tấn so với tháng trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước