Nguy hiểm hơn là làn sóng vỡ nợ này đang có nguy cơ không chỉ giới hạn tại Trung Quốc mà còn có thể lan rộng khắp khu vực, gây thêm áp lực cho giới doanh nghiệp châu Á trong năm mới 2020. Theo Bloomberg, với việc nhiều nền kinh tế hàng đầu đang chững lại, các doanh nghiệp trong khu vực sẽ phải đối mặt với khả năng điều kiện vay thắt chặt và lãi suất tăng lên, kéo theo đó là tình trạng vỡ nợ với các doanh nghiệp nhiều rủi ro.
Tình hình được xem là sẽ đầy thách thức trong năm 2020 khi Chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không còn mạnh tay trong việc cứu trợ doanh nghiệp. Một minh chứng là vào tháng 11, vụ việc của tập đoàn khoáng sản Tewoo đã trở thành vụ vỡ nợ lớn nhất trong vòng 2 thập kỷ của một công ty quốc doanh tại nước này.
Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang nổi lên như một điểm nóng với giá trị vỡ nợ trái phiếu đã lập kỷ lục mới trong năm 2019. Một phần nguyên nhân đến từ khủng hoảng của lĩnh vực tín dụng ngầm của nước này. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang gặp khó trong việc rao bán tài sản trả nợ do các quy định phức tạp về phá sản.
Với mối liên quan lớn giữa thị trường Trung Quốc với toàn khu vực, giảm tốc kinh tế và rủi ro nợ cũng được dự báo là thách thức với các doanh nghiệp châu Á trong năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!