Người trồng vải xã Thanh Xá, Thanh Hà, Hải Dương lo lắng khi nhiều cây vải thiều không ra hoa. (Ảnh: TTXVN)
Tỷ lệ vải thiều ra hoa thấp, chỉ đạt 30 - 40%. Bà con trồng vải đang đối mặt với nguy cơ mất mùa lớn nhất từ trước tới nay. Nhiều bà con trồng vải cho biết, gần 20 năm qua, chưa bao giờ thời tiết lại bất thường như năm nay. Trời ấm sớm và kéo dài. Hiện nay, trời lại nồm ẩm, tốt cho cây ra lộc nhưng lại khó cho hoa thụ phấn nên tỷ lệ đậu quả rất thấp.
Trên phạm vi toàn tỉnh Hải Dương, đại diện Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết tỉnh có 2.000 ha vải sớm, tỷ lệ ra hoa đạt 80%. Với 8.500 ha vải thiều chính vụ cũng chỉ có 50% số diện tích ra hoa. Trong 50% diện tích ra hoa này, có tới ¼ số diện tích vừa ra hoa, vừa ra lộc. Như vậy, tỷ lệ đậu quả sẽ không cao.
Tương tự, tại vựa vải Lục Ngạn (Bắc Giang), theo UBND huyện Lục Ngạn, trong 16.000 ha vải chính vụ, chỉ có 50% diện tích có hoa, trong đó 15 - 20% diện tích ra hoa kèm lộc, số còn lại chỉ ra lộc.
Theo Bộ NN&PTNT, những tháng đầu năm 2017, thời tiết, khí hậu có những diễn biến bất thường đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất trồng trọt, đặc biệt là cây ăn quả lâu năm. Vụ Đông Xuân ấm, ít mưa ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển, đặc biệt việc ra hoa, thụ phấn của cây vải tại các tỉnh phía Bắc, nhất là đối với giống vải thiều Thanh Hà - giống chủ lực trong sản xuất vải hiện nay.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật bám sát diễn biến nhiệt độ ở miền Bắc để có kịch bản ứng phó sớm với những diễn biến của thời tiết. Với cây nhãn, vải ra hoa muộn, Bộ trưởng yêu cầu Cục Trồng trọt cần tập trung cán bộ, chủ động hướng dẫn người dân áp dụng các gói kỹ thuật, cố gắng chăm sóc để "dù có giảm một chút về sản lượng, nhưng được giá".
Theo thống kê của huyện Lục Ngạn, trong 60 năm qua, chỉ có 1 năm 2008 là thất thu vải do rét đậm kéo dài và chưa năm nào tỷ lệ vải thiều có nguy cơ mất trắng lại cao như năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!