Tại Trung Quốc, mấy năm gần đây đã xuất hiện những nền tảng cho vay tiền trực tuyến. Người ta đã ví, ở đó có những con cá mập, chúng đặt tầm ngắm vào con mồi là sinh viên đại học, đối tượng nhẹ dạ cả tin nhưng nhiều lúc bốc đồng và sĩ diện.
Vào ngày 3/8 vừa qua, Phan Tế Nghĩa ra khỏi nhà và tự tử trên một con sông gần đó. Chỉ sau cái chết của Phan Tế Nghĩa, gia đình mới biết đến việc sinh viên đại học này đang bị chủ nợ thúc ép phải trả hàng chục ngàn NDT.
Theo những thông tin thu được từ điện thoại của Phan, Phan bắt đầu mượn tiền từ một nền tảng cho vay trực tuyến vào tháng 7/2016. Anh vay 1.000 NDT. Đến thời điểm Phan qua đời, số nợ của anh lên tới 130 ngàn NDT.
Khoản nợ của Phan đội lên khi anh cứ phải vay thêm để trả lãi suất cũng như những chi phí liên quan cho khoản vay đầu tiên của mình. Số nợ rất nhanh vượt ngoài tầm kiểm soát của Phan.
Trần Khắc vay 10 ngàn NDT để mua một chiếc iPhone vào năm 2015 và giờ anh đang phải trả số tiền gấp đôi. Các cuộc điều tra cho thấy, những đối tượng cho vay trực tuyến thường nhắm tới đối tượng sinh viên trong các trường đại học. Và họ thường đưa ra mức lãi suất cao, đồng thời áp dụng những biện pháp đòi nợ đầy bạo lực.
Những trường hợp như của Phan Tế Nghĩa hay Trần Khắc xuất hiện nhiều trên truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc gây ra sự phẫn nộ trong dư luận.
Trước tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các đối tượng cho vay trực tuyến ngừng cung cấp các khoản vay mới cho sinh viên đại học. Tuy nhiên, có người thực hiện, có người không.
Không điều gì có thể mang Phan Tế Nghĩa, chàng trai mới 20 tuổi trở về với gia đình. Cảnh sát đang điều tra cái chết của anh và họ nghi ngờ việc bị thúc ép trả nợ là nguyên nhân chính dẫn đến hành động này.
Chỉ cần lên các mạng xã hội, phần mềm trò chuyện rất phổ biến như QQ là các sinh viên dễ dàng vay được tiền bằng thủ tục nhanh gọn: photo thẻ căn cước, thẻ sinh viên và thông tin về gia đình. Sinh viên thường vay để chi tiêu hàng ngày, mua mỹ phẩm, mua đồ điện tử.
Cái bẫy được giăng ra và sinh viên dễ dàng bị sập, lãi suất phổ biến là từ 25-30% tháng, cá biệt 30%/tuần. Và dư luận rất bức xúc khi các đối tượng cho vay nặng lãi đã sử dụng đến chiêu ép sinh viên nữ phải gửi cho chúng những bức hình khỏa thân hay video mát mẻ để thế chấp, mới cho gia hạn nợ tiếp.
Vụ việc hàng trăm nữ sinh bị rò rỉ ảnh khỏa thân để thế chấp trên mạng hồi cuối năm ngoái đã khiến dư luận dậy sóng. Một số ý kiến trên mạng cho rằng, hình thức chụp ảnh khỏa thân để thế chấp vay tiền là bất hợp pháp, yêu cầu ngành chức năng phải có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!