Nguyên nhân nào giúp chứng khoán Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 24/06/2023 14:23 GMT+7

VTV.vn - Năm 2023 đang trở thành năm tốt đẹp nhất cho thị trường chứng khoán Nhật Bản trong nhiều thập niên trở lại đây khi chỉ số Nikkei 225 liên tục lập đỉnh.

Nikkei 225 tăng mạnh nhất thế giới trong tháng 5/2023

Tính đến hết ngày 23/6, chỉ số Nikkei 225, chỉ số chính của sàn chứng khoán Tokyo, đã tăng 27,4% so với mức đáy lập ngày 4/1 năm nay.

Chứng khoán Nhật Bản đã chạm ngưỡng cao nhất trong 30 năm trở lại đây, vượt qua cả thời điểm bùng nổ kinh tế của thập niên 90 thế kỷ trước. Trong tháng 5, chứng khoán Nhật Bản là thị trường tăng trưởng tốt nhất trong tất cả các thị trường chính trên thế giới với màn thể hiện vượt trội so với chứng khoán Mỹ.

Để hiểu rõ hơn về các biến động lần này của chứng khoán Nhật Bản, phóng viên (PV) Tạp chí kinh tế cuối tuần đã kết nối với phóng viên Long Nguyễn, thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Nhật Bản.

PV: Xin chào anh Long Nguyễn, xin anh cho biết những điểm đáng chú ý trong đợt tăng điểm lần này của chứng khoán Nhật Bản?

PV Long Nguyễn: Chỉ số chứng khoán Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1990, theo các nhà quan sát, động lực chắp cánh cho chứng khoán Nhật Bản là việc hoàn tất thỏa thuận về nợ trần của Mỹ, bên cạnh đó tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ, duy trì đồng yên yếu.

Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, nhóm cổ phiếu của ngành công nghệ, tài chính và dịch vụ tiện ích đã trở thành yếu tố chính thúc đẩy sự phục hồi của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Sự gia tăng của nhóm cổ phiếu này là nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ, các doanh nghiệp tăng mua vào cổ phiếu và các cải cách chính sách mang lại sự thuận tiện nhiều hơn cho các nhà đầu tư.

Các chuyên gia về thị trường chứng khoán châu Á cho biết, việc chỉ số Topix liên tục tăng cao là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư ngoại đang quay trở lại Nhật Bản. Các nhà đầu tư cũng cho rằng, cổ phiếu của Nhật Bản vẫn đang rẻ, nên đã tập trung vào các cổ phiếu với mức độ rủi ro cao để có cơ hội kiếm lời thay vì đầu tư vào trái phiếu khi lãi suất liên tục giữ ở mức 0%.

PV: Các nhà phân tích Nhật Bản nhìn nhận như thế nào về đợt tăng lần này? Sự gia tăng mang tính đột biến của chứng khoán Nhật Bản có chứa đựng yếu tố bong bóng không hay có nền tảng vững chắc và bền vững cho nền kinh tế?

Phóng viên Long Nguyễn: Một số nhà đầu tư toàn cầu, cũng như các ngân hàng lớn phố Wall đang có cái nhìn tích cực với thị trường chứng khoán Nhật Bản. Thị trường chứng khoán Nhật Bản đang trở nên nổi bật khi các nền kinh tế khác đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế và kinh tế phục hồi chậm.

Nguyên nhân nào giúp chứng khoán Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ? - Ảnh 1.

Jeffrey Atherton, trưởng bộ phận thị trường chứng khoán Nhật Bản tại Man GLG - quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới đánh giá, thị trường chứng khoán Nhật Bản có thể tăng thêm 10-15%. Báo cáo của công ty tài chính lớn là JPMorgan lại cho biết, Nhật Bản đã vượt qua thời kỳ giảm phát, bước sang thời kỳ lạm phát nhỏ, đà tăng của thị trường chứng khoán có xu hướng bền vững, bởi các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng không phải là các yếu tố mang tính tạm thời.

Mặc dù vậy, không ít người tỏ ra quan ngại về việc thị trường chứng khoán Nhật Bản đang tăng trưởng quá nóng, dẫn tới nguy cơ bong bóng, có thể phát nổ bất cứ khi nào nếu dòng vốn đầu tư chảy ngược ra bên ngoài khi các ngân hàng trung ương, nhất là Ngân hàng trung ương Nhật Bản thắt chặt chính sách tiền tệ.

Những nguyên nhân giúp chứng khoán Nhật Bản tăng điểm

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của chứng khoán Nhật Bản đã thu hút sự chú ý của các nhà phân tích trên khắp thế giới. Hàng loạt tờ báo tài chính uy tín của cả Nhật Bản và thế giới đã đưa ra nhiều nhận định về các nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng bất ngờ này.

"Giá trị thị trường tăng đến 518 tỷ USD, chứng khoán Nhật Bản trở thành tâm điểm của năm 2023" là dòng tít được chuyên trang tài chính Bloomberg sử dụng để miêu tả sự bùng nổ của chứng khoán Nhật Bản thời gian qua khi những "cơn gió ngược kinh tế" gia tăng tại Mỹ và Trung Quốc.

1 loạt nhà đầu tư lớn như Man GLG - quỹ phòng hộ giao dịch công khai lớn nhất thế giới, JPMorgan Asset Management và Morgan Stanley đều đang đặt cược vào thị trường Nhật Bản sau khi Chỉ số Topix đạt mức cao nhất kể từ năm 1990.

Nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra theo trang Japan Times đó là việc định giá cổ phiếu tương đối rẻ tại Nhật so với các thị trường phát triển khác.

Từ tháng 2 đến nay, 1 nửa số công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) đã giao dịch với hệ số giá/giá trị sổ sách (P/B) dưới 1, trong khi chỉ 3% các công ty trên S&P 500 có P/B dưới ngưỡng này. P/B càng thấp thì giá cổ phiếu càng phải chăng.

Nguyên nhân thứ 2 được tờ New York Times nhắc tới là do hệ thống quản trị tại Nhật Bản đã thay da đổi thịt trong những năm gần đây khi giám đốc doanh nghiệp hiện đã tập trung hơn vào việc chia cổ tức.

Cổ tức của các công ty Nhật Bản dự kiến thiết lập kỷ lục mới, hơn 100 tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc tháng 3/2024

Và nguyên nhân cuối cùng giải thích cho sự bùng nổ của chứng khoán Nhật thời gian qua là sự đảm bảo từ sói già phố Wall Warren Buffett. Trang CNBC chỉ ra, tập đoàn Berkshire Hathaway của vị tỷ phú này hiện đã nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của 5 công ty thương mại lớn nhất Nhật Bản lên mức trung bình hơn 8,5%, có kế hoạch tăng tỷ lệ này lên 9,9%.

5 cổ phiếu Nhật Bản trên đã tăng trung bình hơn 150% kể từ khi Berkshire lần đầu công khai các khoản đầu tư.

1 xu hướng cũng đã được Chủ tịch tập đoàn JPX Group, đơn vị vận hành các sàn giao dịch chứng khoán Tokyo và Osaka nhận thấy, đó là ngày càng có nhiều hộ gia đình rút tiền tiết kiệm ngân hàng với lãi suất thấp để đầu tư chứng khoán.

Các hộ gia đình tại Nhật đang nắm giữ lượng tiền tiết kiệm trị giá 10.000 tỷ yen (7.000 tỷ USD) tại các ngân hàng. Chủ tịch JPX dự đoán, họ sẽ không giữ quá nhiều tiền mặt như vậy, mà thay vào đó sẽ đầu tư vào thị trường chứng khoán để sinh lời tốt hơn trong bối cảnh chi phí sinh hoạt, lạm phát tăng cao.

Lạm phát tại Nhật Bản đứng ở mức cao

Nguyên nhân nào giúp chứng khoán Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ? - Ảnh 2.

Lạm phát Nhật Bản tăng cao nhất trong 42 năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters).

Hiện nay, Nhật Bản đang trải qua giai đoạn lạm phát cao trong khi ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn giữ lãi suất ở mức rất thấp. Điều này hẳn đã khiến việc gửi tiền trở nên kém hấp dẫn và đẩy nhiều người sang các kênh đầu tư khác có khả năng sinh lời tốt hơn.

Lạm phát lõi trong tháng 5 của Nhật Bản sau khi đã trừ đi các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm tươi sống đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thông tin vừa được Chính phủ Nhật Bản công bố ngày hôm qua. Với việc lãi suất tiền gửi gần như bằng 0, điều đó có nghĩa là nếu cứ để tiền trong ngân hàng thì số tiền của người dân Nhật Bản đã mất đi 3,2% giá trị chỉ trong 1 năm - một con số rất đáng kể. Đây chính là động lực thúc đẩy nhiều người rút tiền tiết kiệm để chuyển sang các dạng đầu tư khác có lợi hơn.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản đang trong đà tăng trưởng tốt, nhưng vẫn còn những yếu tố bất định. Ví dụ như ngày hôm qua, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 1,45% khi các nhà đầu tư lo ngại rằng lạm phát tại Nhật Bản đã tăng lên quá cao và sức hấp dẫn của các kênh đầu tư vốn ở nước này giảm đi khi các ngân hàng trung ương lớn liên tục tăng lãi suất. Khó có thể dự báo chính xác diễn biến thị trường trong các tháng tới, tuy nhiên trước mắt, các công ty Nhật Bản vẫn có thể tận dụng nguồn vốn lớn đang đổ vào thị trường để thực hiện các kế hoạch đầu tư làm gia tăng hiệu quả của nền kinh tế nước này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước