Nhà đầu tư lạc quan về Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 24/05/2024 06:40 GMT+7

VTV.vn - Tính đến cuối tháng 4, cả nước có gần 1.000 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài, tăng gần 29% số dự án, hơn 73% số vốn so với cùng kỳ năm 2023.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm. Tính đến cuối tháng 4 vừa qua, cả nước có gần 1.000 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài, tăng gần 29% về số dự án và tăng hơn 73% về số vốn so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ sở hạ tầng không ngừng được mở rộng, nguồn nhân lực được đảm bảo, chính quyền luôn lắng nghe và hỗ trợ. Đây là những lí do khiến doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc đã tin tưởng mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam với 2 nhà máy ở Bắc Ninh và Bắc Giang.

Ông Chung Won Seok - Giám đốc Công ty Hana Micron Vina cho biết: "Thuận lợi lớn nhất đó là chính quyền các địa phương luôn quan tâm lắng nghe. Thủ tục hành chính ngày 1 nhanh hơn. Đồng thời cũng tích cực hỗ trợ để kịp thời giải quyết những khó khăn của các doanh nghiệp".

Phân xưởng là nơi hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để làm ra những con chíp chất bán dẫn lắp đặt trong điện thoại, máy vi tính hay ô tô sử dụng trên khắp thế giới. Và trong quý 1 vừa qua nhà máy đã sản xuất được sản lượng tăng gấp 150% so với cùng kì năm 2023. Dự kiến trong năm nay sẽ đầu tư thêm hàng triệu USD để mở rộng sản xuất.

Với hơn 1.400 các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, khảo sát mới cho thấy, tới hơn 2/3 số doanh nghiệp nhận định tích cực về triển vọng dài hạn trong 5 năm tới tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm đầu tư cũng đã giảm từ 23% trước đó xuống chỉ còn 15%.

Ông Dominik Meichle - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: "Chúng tôi nhận thấy dòng đầu tư hướng vào Việt Nam tăng mạnh khi hơn 1 nửa số doanh nghiệp được hỏi sẽ giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư dài hạn. Quá trình chuyển dịch đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam cũng tăng cao trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ít phát thải, bán dẫn, sản xuất điện tử, ô tô điện. Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh sự tham gia sâu hơn của các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng bền vững".

"Đường lối "Ngoại giao cây tre" của Việt Nam đã tạo niềm tin về sự ổn định kinh doanh cho các doanh nghiệp FDI đã vào Việt Nam và các doanh nghiệp có kế hoạch vào Việt Nam. Những thay đổi thời gian qua sẽ mang lại những cải thiện trong công tác quản lý nhà nước, góp phần mang lại sự ổn định, cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam và tạo thêm niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư nước ngoài", ông Pyon Young Hwan - Giám đốc Giao dịch ngoại hối và Phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam chia sẻ.

Thời gian qua, Việt Nam không chỉ tiếp tục khẳng định là điểm đến tiềm năng của dòng vốn đầu tư trong lĩnh công nghệ cao, mà dòng vốn đầu tư trong những ngành công nghiệp truyền thống như dệt may, da giày hay bất động sản cũng đang ghi nhận những khởi sắc. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước