Đồng tiền của nhiều quốc gia trên thế giới đang giảm giá mạnh so với đồng USD khiến các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) phải cân nhắc việc đưa vốn của mình đến các điểm sản xuất trên toàn cầu.
Theo báo cáo Đầu tư thế giới, năm nay dòng vốn đầu tư của các công ty đa quốc gia hiện chỉ bằng 20% so với mức trước đại dịch COVID-19. Vì vậy, việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ khó khăn hơn với các quốc gia như Việt Nam. Do đó, những yếu tố nền tảng rất quan trọng để các nhà đầu tư quyết định lựa chọn điểm rót vốn của mình.
Sau gần 26 năm đầu tư tại Việt Nam, Nhà máy của Tập đoàn ABB đã trở thành cơ sở trọng tâm của tập đoàn trên toàn cầu. Vài tháng trước, tập đoàn đã đưa trung tâm sản xuất mới giá trị 6 triệu USD vào hoạt động.
Ông Alesandro Palin - Phó Chủ tịch Tập đoàn ABB cho hay: "Việt Nam sở hữu vị trí chiến lược trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đang hình thành nhiều trung tâm logistics. Bởi vậy, việc đặt nhà máy tại Việt Nam sẽ giúp chúng tôi cắt giảm chi phí vận tải và logistics khi xuất khẩu sang các thị trường khác trong khu vực".
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tăng giải ngân vốn tại Việt Nam. Ảnh minh họa.
Những biến động tài chính - tiền tệ trước mắt đang ảnh hưởng lớn tới kế hoạch của các nhà đầu tư, nhưng đầu tư cũng là câu chuyện mang tính lâu dài. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tăng giải ngân vốn tại Việt Nam.
Điều này được thể hiện trong báo cáo mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, khi có đến gần một nửa số doanh nghiệp được hỏi cho biết, triển vọng kinh doanh là tích cực; 42% dự đoán rằng, công ty của họ sẽ gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam trong cuối năm nay.
"Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp châu Âu và chúng tôi rất vui mừng về triển vọng của đất nước trong trung và dài hạn. Thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và cam kết chung của chúng tôi về phát triển bền vững, các công ty Việt Nam và châu Âu có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng", ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) nhận định.
Hiện Hàn Quốc - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam đang tiến hành các kế hoạch lớn để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất trong những chuỗi sản xuất toàn cầu của doanh nghiệp.
Việc vốn giải ngân tăng cao là chỉ dấu tích cực bởi đây mới là con số con số quan trọng nhất, là dòng vốn thực đưa vào nền kinh tế, qua đó tạo thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế và công ăn việc làm cho người lao động; đồng thời, tạo sự gắn kết quan trọng giữa doanh nghiệp Việt với hệ thống sản xuất phân phối toàn cầu qua các chuỗi sản xuất lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!