Tại nhiều nơi, đã có những dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đi vào hoạt động, tạo nơi ăn chốn ở tốt hơn cho nhiều người lao động, với giá bán chỉ khoảng vài trăm triệu đồng/1 căn hộ. Tuy nhiên, theo ghi nhận, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Chị Lê Thị Hảo là công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. Sau 3 năm phải chuyển chỗ trọ nhiều nơi, cuối cùng chị Hảo cũng tích góp đủ tiền để mua được một ngôi nhà mới mơ ước, tại khu nhà ở công nhân. Đây là niềm vui lớn với chị, để yên tâm làm việc và lập gia đình.
Các tiện ích như vườn hoa, công viện, siêu thị, nhà trẻ cũng được xây dựng song song với nhà ở, phục vụ người lao động và gia đình của họ. Đại diện chủ dầu tư cho biết, nhờ kết hợp tối ưu hóa các giải pháp thiết kế đi đôi với chủ động nguồn vật liệu xây dựng được, nên các dự án nhà ở xã hội công nhân tại đây đều có giá bán và giá cho thuê thấp.
Giá bán căn hộ vào khoảng từ gần 225 - 600 triệu đồng/căn. Đến nay, Viglacera đã xây dựng được gần 10.000 căn nhà ở xã hội, tại 4 tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam và Phú Thọ.
"Mô hình này ngoài việc xây dựng nhà ở thì Viglacera có triển khai một mô hình Trung tâm hỗ trợ một cửa đối với người công nhân. Đây cũng là mô hình đầu tiên về trung tâm một cửa như thế này", ông Nguyễn Trí Dũng - Phó Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera cho biết.
Nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đi vào hoạt động, tạo nơi ăn chốn ở tốt hơn cho nhiều người lao động. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, một số khu nhà ở công nhân hiện lại đang thiếu người mua. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị các cấp chính quyền tạo điều kiện cho phép các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được thuê, mua nhà ở xã hội để cho người lao động của mình ở. Đồng thời, cho phép mở rộng cho tất cả các đối tượng mua.
Ghi nhận cho thấy, một số địa phương đã chỉ đạo các sở, ngành chủ động nghiên cứu, rà soát, đóng góp ý kiến liên quan các nội dung vướng mắc vào các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: "Chúng tôi được biết các địa phương trên cơ sở các quy định của luật đã nắm bắt xây dựng các chương trình hành động, tuy nhiên luật cần đệ trễ, độ ngấm. Chúng tôi hi vọng với sự tháo gỡ về thể chế sẽ có những giải pháp".
"An cư lạc nghiệp" là mơ ước của nhiều người, đặc biệt là với những người công nhân. Có vậy, họ mới có thể yên tâm lao động, gắn bó lâu dài với công việc. Hạnh phúc của người lao động chính là đòn bẩy cho nâng cao năng suất lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!