Nhà ở xã hội xây dựng xong nhưng làm đơn xin tạm ngừng bán

VTV Digital-Thứ năm, ngày 25/11/2021 06:24 GMT+7

VTV.vn - Đây là một câu chuyện chưa từng có tiền lệ trên thị trường BĐS. Tại sao DN lại đưa ra một quyết định như vậy và đây có phải là hiện tượng phổ biến trên thị trường?

Xin tạm ngừng bán vì thua lỗ

Mới đây, một doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà ở xã hội tại tỉnh Bắc Ninh đã làm đơn xin tạm ngừng bán tiếp các căn hộ nhà ở xã hội. Mặc dù dự án này đã bàn giao đi vào sử dụng. Sự việc này đã gây xôn xao trên thị trường.

Chia sẻ với phóng viên VTV, đại diện doanh nghiệp chia sẻ đây là một việc "cực chẳng đã". Một số doanh nghiệp cũng đã thẳng thắn bày tỏ những khó khăn họ đang gặp phải khi xây dựng loại hình nhà ở dành cho người thu nhập thấp hiện nay.

Dự án nhà ở xã hội Cát Tường đã được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh phê duyệt giá bán là 10,5 triệu đồng/1m2 căn hộ. 3 năm sau dự án mới hoàn thành. Chủ đầu tư cho rằng, trong khoảng thời gian đó, giá nguyên vật liệu đã tăng mạnh, nếu vẫn bán với giá được phê duyệt, doanh nghiệp sẽ thua lỗ.

Ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Tường cho hay: "Với nguồn cung nguyên vật liệu tăng 25% trên tổng suất đầu tư, lợi nhuận chỉ được 10%. Nếu chủ đầu tư tiếp tục bán nhà theo giá được phê duyệt sẽ bị lỗ. Sau khi tính toán, riêng với dự án từ 2019, phải bán khoảng 14 triệu/1m2 mới được".

Một số doanh nghiệp đang xây dựng nhà ở xã hội khác lại cho biết, do không có nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nên họ đang phải vay ngân hàng thương mại với lãi suất 9,6%/năm. Tuy nhiên, khi làm cơ sở để phê duyệt giá bán nhà, các cơ quan chức năng lại chỉ tính lãi suất là 4,8%, theo suất của nhà ở xã hội.

Đề xuất thay đổi cách tính giá cho nhà ở xã hội

Nguồn cơn khiến doanh nghiệp xin tạm ngừng bán nhà nằm ở việc phê duyệt giá bán. Giá lại chịu tác động từ lãi vay ngân hàng, giá vật liệu xây dựng. Vậy các cơ quan chức năng tại địa phương đã có phản hồi như thế nào về các đề xuất này?

Giá bán nhà ở xã hội tại các địa phương đang dao động từ 10 - 15 triệu đồng/m2. Tức giá trị 1 căn hộ chỉ vài trăm triệu đồng tới trên dưới 1 tỷ đồng, rất phù hợp với túi tiền của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách.

Cơ sở để đưa ra mức giá này là vì các dự án xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, được hưởng ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện của doanh nghiệp đã phát sinh nhiều vấn đề khó khăn. Nếu không tháo gỡ lại khó có thể thu hút được các doanh nghiệp tham gia.

Nhà ở xã hội xây dựng xong nhưng làm đơn xin tạm ngừng bán - Ảnh 1.

Giá bán nhà ở xã hội tại các địa phương đang dao động từ 10 - 15 triệu đồng/m2. Ảnh minh họa - Ảnh: PLO.

Trước tình trạng doanh nghiệp xin ngừng bán nhà ở xã hội, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, Sở sẽ phối hợp với các Sở ban ngành khác để báo cáo UBND tỉnh giải quyết. Tuy nhiên, Sở cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần tính toán kỹ trước khi bắt tay thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho hay: "Trước khi lựa chọn chủ đầu tư, các giải pháp về giá được nêu rõ trong đầu bài. Khuyến nghị các chủ đầu tư tìm hiểu kĩ các khó khăn, từ đó có các giải pháp kinh doanh phù hợp".

Trước ý kiến lo ngại, nếu linh hoạt trong giá bán nhà ở xã hội, bỏ khung giá cứng, không được vượt quá 10% tổng chi phí xây dựng như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng nhà ở xã hội tăng cao, không khác gì nhà ở thương mại, các doanh nghiệp cho rằng có thể quy định mức giá trần và giá sàn.

"Nên đặt ra tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, sau đó đưa ra giá trần, giá sàn. Bởi về thị trường nhà ở xã hội cũng phải cạnh tranh, quyết định bán ở giá nào cũng cần có yếu tố thị trường quyết định", ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Tường bày tỏ.

Phản hồi của Bộ Xây dựng về giá nhà ở xã hội

Với mức giá trần và giá sàn, sau khi tính toán kỹ chi phí thực hiện, giá bán nhà ở xã hội vẫn có thể được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời giúp các doanh nghiệp "dễ thở" hơn.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, Bộ đã đã tiếp nhận các đề xuất, kiến nghị từ phía doanh nghiệp về vấn đề này. Đến nay, Bộ đã tính đến một số phương án để giải quyết khó khăn hiện nay.

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nói: "Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu trong sửa đổi Luật nhà ở 2014, cũng như các nghị định để ưu đãi cho chủ đầu tư thực chất hơn. Ví dụ tăng mức lợi nhuận của dự án lên so với quy định hiện hành là 10%; xem xét không quy định lợi nhuận định mức mà làm giá trần, do từng địa phương quy định".

Nhà ở xã hội xây dựng xong nhưng làm đơn xin tạm ngừng bán - Ảnh 2.

Nhà ở xã hội đang được rất nhiều người dân mong chờ, thậm chí là luôn trong tình trạng cháy hàng tại nhiều thành phố lớn. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.

Chuyển hướng sang xây dựng nhà ở xã hội, với nhiều ưu đãi từng là giải pháp đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh thị trường khó khăn. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, số lượng nhà ở xã hội đang giảm dần.

Theo Bộ Xây dựng, cả nước đã hoàn thành khoảng 250 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra.

Trong khi nhu cầu loại hình nhà ở hợp túi tiền này đang được rất nhiều người dân mong chờ, thậm chí là luôn trong tình trạng cháy hàng tại nhiều thành phố lớn. Làm thế nào để hấp dẫn các doanh nghiệp trở lại đầu tư tiếp tục là câu chuyện nóng đặt ra lúc này.

TP Hồ Chí Minh dành gần 38.000 tỷ xây nhà ở xã hội 5 năm tới TP Hồ Chí Minh dành gần 38.000 tỷ xây nhà ở xã hội 5 năm tới

VTV.vn - Từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh dự kiến dành hơn 173 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội với tổng vốn đầu tư gần 38.000 tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước