Ba quý đầu năm 2018, báo cáo tài chính của một số ngân hàng cho thấy xu hướng nhích tăng của nợ xấu. Đã có những lo ngại rằng, tình hình đang xấu đi khi "cục máu đông" của nền kinh tế quay trở lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây là hiện tượng mang tính thời điểm. Việc phân loại, cơ cấu lại và chuyển nhóm nợ đang diễn ra theo hướng chặt chẽ hơn theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Nợ xấu hiện nay được chia thành 5 nhóm, siết chặt hơn về mức độ và thời gian quá hạn thanh toán. Thời điểm chốt báo cáo, nhiều khoản nợ sẽ buộc phải chuyển nhóm. Mức tăng mạnh chủ yếu rơi vào nhóm nợ xấu mức độ rủi ro thấp nhất với trên 36%. Riêng nhóm 5 - nhóm nợ có khả năng mất vốn - mức độ rủi ro cao nhất, 80% khoản nợ đã được trích lập dự phòng rủi ro.
Trong quý III/2018, nợ xấu tăng một phần còn xuất phát từ việc sau tròn 5 năm đi gửi nợ ở công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) mà chưa xử lý hết, đã đến lúc các ngân hàng tạm thời ghi nhận lại số nợ này vào sổ sách.
Mới đây, vấn đề rủi ro tài sản nợ xấu của Việt Nam được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's nâng lên mức cải thiện. Đây là 1 trong 6 tiêu chí căn để Moody's tiếp tục đưa ra triển vọng duy trì tích cực của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!