Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội và Đề án 1058 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại toàn hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đã có gần 165.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý xong, trong đó có không ít các khoản nợ của các doanh nghiệp Nhà nước.
Từ một doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, nợ nần chồng chất, sau gần 4 năm tái cơ cấu tài chính, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã xử lý được gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu. Hoạt động đã bắt đầu có lãi và đã cổ phần hóa, lên sàn chứng khoán. Một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp "tháo gông" nợ nần tại các ngân hàng thương mại đó là sự tham gia của đơn vị mua bán nợ.
Theo đại diện Công ty TNHH mua bán nợ DATC, mỗi doanh nghiệp thường vay từ nhiều tổ chức tín dụng khác nhau cả trong và ngoài nước. Vì thế, nút thắt lớn nhất là làm thế nào định giá và đàm phán được với các chủ nợ trong thời gian ngắn để doanh nghiệp kịp có cơ hội phục hồi. Bởi càng để lâu, doanh nghiệp càng yếu đi, lãi đẻ thêm lãi, còn tài sản gán nợ cũng dần mất giá trị.
Theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH mua bán nợ DATC, đến thời điểm này, đơn vị đã xử lý được khoảng 90.000 tỷ đồng nợ xấu tại gần 3.000 doanh nghiệp Nhà nước. Việc các công ty mua bán, xử lý nợ tham gia đàm phán trên nguyên tắc giá thị trường sẽ giải quyết được tình trạng, các tổ chức tín dụng đòi thu nợ với giá cao, trong khi doanh nghiệp mắc nợ thường làm ăn bết bát nên hai bên khó có thể tìm được tiếng nói chung.
Đến năm 2020, Chính phủ yêu cầu các tổ chức tín dụng phải giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, đây sẽ là cú hích để các tổ chức này sớm giải quyết các khoản nợ xấu còn tồn đọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!