Khảo sát "HSBC Navigator: Tiêu điểm Đông Nam Á" do Ngân hàng HSBC vừa công bố tuần qua cho thấy, lực lượng lao động có kỹ năng là một trong những đặc điểm hấp dẫn nhất của thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư quốc tế.
Còn theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, trung bình 5 doanh nghiệp Đức có đến 3 doanh nghiệp đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đưa ra quyết định rót vốn đầu tư FDI của mình. Nhiều chuyên gia nhận định, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao tại nước ta đang ngày càng gia tăng.
Tuần qua, một doanh nghiệp Đức vừa mở thêm trung tâm công nghệ phần mềm thứ hai ở Hà Nội, với mục đích mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và thu hút nhân tài trong lĩnh vực phần mềm. Nhu cầu nhân lực chuyên môn cao và sử dụng chất xám trong các ngành dịch vụ và nghiên cứu phần mềm của nhiều doanh nghiệp FDI khác tại Việt Nam cũng ngày càng gia tăng.
"Chúng tôi đang tìm kiếm những kỹ sư và nhà quản lý trong lĩnh vực phần mềm. Những nhân tài Việt Nam rất chăm chỉ và tập trung cao độ trong công việc. Các kỹ năng như sử dụng tiếng Anh của họ ngày càng được cải thiện", ông Gaur Dattatreya - Tổng giám đốc, Bosch Global Software Technologies Việt Nam nhận định.
Chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể. Ảnh minh họa.
Theo khảo sát mới được công bố của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam, gần 93% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào thị trường này và có đến gần 50% doanh nghiệp Đức có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động cho các dự án của họ tại đây.
Ông Marko Walde - Trưởng đại diện, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho hay: "Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn để triển khai các dự án đầu tư dài hạn. Các doanh nghiệp Đức có nhu cầu rất cao về nguồn nhân lực chất lượng có kiến thức về kỹ thuật và kỹ năng quản lý để vận hành tốt các dây chuyền sản xuất điện tử".
"Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng về nhu cầu tuyển dụng ở hầu hết các lĩnh vực. Trong đại dịch, các ngành công nghệ như fintech, thương mại điện tử, số hoá và chuyển đổi số là những ngành phổ biến. Nhưng hiện nay, nhu cầu tuyển dụng tăng ở hầu như tất cả các ngành từ chế tạo, công nghiệp, tiêu dùng nhanh, y tế, dịch vụ tài chính và logistics", ông andree Mangels - Tổng giám đốc, ManpowerGroup Việt Nam nói.
Nhu cầu nhân lực lớn như vậy, còn nguồn cung thì sao? Qua thực tế và khảo sát cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể. 5 trường đại học Việt Nam mới lọt bảng xếp hạng các trường đại học châu Á 2022.
Ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội đánh giá: "Chất lượng nhân lực của Việt Nam tốt hơn theo từng năm. Theo khảo sát của JETRO, tổng thế chất lượng công nhân, kỹ thuật viên, và quản lý của Việt Nam tương đối vượt trội hơn so với các nước ASEAN láng giềng".
Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài dự báo, dòng vốn FDI vào Việt Nam năm nay ít nhất tăng trưởng 10% so với năm ngoái. Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một loạt tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel, Apple, Google. Khẳng định từ các tập đoàn này cho thấy, họ đều đang "nhắm" vào thị trường Việt Nam. Do vậy sự chuẩn bị sẵn nguồn cung nhân lực chất lượng cao là điều cần thiết ngay từ bây giờ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!