Nền kinh tế Nhật Bản đang trải qua thời kỳ giảm phát kéo dài hiếm thấy trong lịch sử. Để ngăn đà giảm phát, Tân Thủ tướng Nhật Shizo Abe đã đề ra mục tiêu gây nhiều tranh cãi. Đó là đưa lạm phát đạt mức 2% trong vòng 2 năm tới (tức năm 2013 và 2014).
Câu hỏi đặt ra là liệu mục tiêu lạm phát 2% có quá sức với Nhật Bản hay không? Và liệu chính quyền của ông Abe có thể xoay ngược tình thế: Đảo chiều từ giảm phát sang lạm phát chỉ trong 2 năm hay không? Phóng viên Đài THVN đã có cuộc trao đổi với ông Motohisa, Chuyên gia kinh tế hàng đầu Nhật Bản về vấn đề này.
Thưa ông, xin ông cho biết liệu Nhật Bản có đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong vòng 2 năm tới hay không?
- Rất nhiều chuyên gia cho rằng đây là mục tiêu không tưởng, nằm ngoài tầm với của Chính phủ Nhật Bản. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi cho rằng Nhật Bản hoàn toàn có đủ năng lực để hiện thực hóa mục tiêu đó. Hiện chính phủ đang hiện thực hóa bằng cách bơm tiền. Tính từ khi nhậm chức, Thủ tướng Abe đã bơm tới 1 nghìn tỷ Yen (khoảng 117 tỷ USD). Nhiều khả năng sẽ tiếp tục bơm tiền vào tháng 4 tới.
Trên thực tế, Chính phủ Nhật đã và đang bơm tiền để đạt được mục tiêu lạm phát. Nhưng xem ra vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Vậy theo ông, liệu Chính phủ có nên sử dụng giải pháp khác hay không?
- Theo tôi, vẫn còn một biện pháp mà nếu Chính phủ Nhật sử dụng tôi nghĩ sẽ rất hiệu quả. Đó là đầu tư vào cơ sở vật chất hạ tầng. Bạn biết đấy, nhiều công trình của Nhật đã xây dựng từ lâu. Chúng cần phải tu sửa, thậm chí nhiều trong số đó buộc phải xây mới. Nếu Chính phủ tập trung tái thiết các khu vực ấy, nó sẽ thúc đẩy nguồn tiền đầu tư vào nền kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Quan trọng hơn là góp phần đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Vậy theo ông lạm phát 2% có ảnh hưởng gì đến đồng Yen Nhật và ảnh hưởng gì đến việc xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản?
- Về căn bản, một khi lạm phát tăng, đồng Yen sẽ mất giá. Đây là tín hiệu vui cho xuất khẩu của Nhật. Vì đồng Yen đã liên tục tăng giá so với USD trong khoảng 20 năm qua. Hiện đồng Yen đã quay đầu giảm, mức giảm 20% so với USD. Và tôi nghĩ Yen sẽ còn giảm giá trong tương lai.
Liên quan đến Việt Nam, tôi tin và khẳng định đồng Yen giảm giá không hề gây bất kỳ khó khăn gì đối với các nhà xuất khẩu. Đương nhiên, chúng ta phải công nhận đồng Yen giảm giá, nghĩa là giá hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nhật Bản tăng lên. Nhưng giá chỉ nhích lên rất ít. Điều quan trọng tôi nghĩ các nhà xuất khẩu Việt Nam nên quan tâm là chất lượng hàng hóa. Chất lượng có tốt thì chúng ta mới cạnh tranh được.
Ngoài ra, tôi cũng nói thêm giá tăng trong trường hợp này lại là một tín hiệu tốt. Vì người Nhật đang mong chờ lạm phát, tức là mong chờ sự tăng giá. Vì vậy, giá hàng hóa của Việt Nam tăng lên lại là điều đáng mừng cho Nhật Bản.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!