Nhật Bản hưởng lợi lớn từ Hiệp định RCEP

Long Nguyễn (PV Đài THVN thường trú tại Nhật Bản)-Thứ hai, ngày 10/01/2022 16:47 GMT+7

VTV.vn - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Nhật Bản được cho là được hưởng lợi lớn từ việc cắt giảm các loại thuế theo quy định.

Hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản từ các nước thành viên sẽ rẻ hơn, mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng. Trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu cũng có khả năng tăng lợi nhuận và sản lượng xuất khẩu, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực, thuế quan đối với 91% lượng hàng hóa của các nước thành viên sẽ được giảm. Nhật Bản được cho là quốc gia có lợi nhất khi hiệp định này là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Nhật Bản có sự tham gia của cả Trung Quốc và Hàn Quốc, hai thị trường xuất khẩu chính của nước này ở châu Á. Với lợi thế này, dự kiến xuất khẩu của Nhật Bản sẽ tăng khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.

"Hiệp định sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản và khu vực. Chúng tôi sẽ nỗ lực xây dựng một trật tự kinh tế dựa trên các quy tắc và đảm bảo các quốc gia tham gia tuân thủ các quy tắc này", ông Matsuno Hirokazu, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, nhấn mạnh.

Nhật Bản hưởng lợi lớn từ Hiệp định RCEP - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, Hiệp định RCEP sẽ là động lực góp phần tăng trưởng kinh tế cho Nhật Bản. (Ảnh minh họa - Ảnh: Nikkei)

Bên cạnh các nhượng bộ về thuế quan, Hiệp định RCEP còn tiêu chuẩn hóa các quy tắc về đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử. Nó cũng thúc đẩy việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng trong khu vực, các ngành xuất khẩu chính của Nhật Bản như ô tô và linh kiện điện tử sẽ được hưởng lợi từ các quy tắc này.

"Sau khi RCEP có hiệu lực, nếu các nhà sản xuất Nhật Bản sản xuất sản phẩm của họ ở các nước Đông Nam Á, thì thuế quan của các sản phẩm đó sẽ giảm khi xuất khẩu sang các nước thành viên. Hiệp định này sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy bố trí chuỗi công nghiệp trong khu vực", ông Hideo Kumano, Nhà kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, nhận định.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực nhạy cảm của Nhật Bản, ngoài 5 mặt hàng nông nghiệp quan trọng như gạo, thịt bò…, Nhật Bản sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với 56% lượng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc, 49% từ Hàn Quốc và 61% từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Australia và New Zealand.

Việc giảm thuế các sản phẩm nông nghiệp sẽ gia tăng áp lực cho ngành nông nghiệp của Nhật Bản, nhưng sẽ thúc đẩy tiêu thụ và mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng.

"Giá của một số loại thức uống nhập khẩu trước khi RCEP có hiệu lực là tương đối cao, nhưng giờ nhiều người tiêu dùng sẽ mua chúng khi thuế nhập khẩu giảm, điều này cũng sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng của chúng tôi", ông Tojo Koichi, chủ cửa hàng tại Tokyo, Nhật Bản, cho biết.

Theo các chuyên gia, Hiệp định RCEP sẽ là động lực góp phần tăng trưởng kinh tế cho Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang trong giai đoạn đình trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ước tính RCEP sẽ mang lại lợi ích khá lớn cho Nhật Bản khi thúc đẩy GDP của cả nước tăng 2,7% và tạo ra 570.000 việc làm cho người dân nước này.

RCEP “mở đường” cho dệt may chinh phục nhiều thị trường lớn RCEP “mở đường” cho dệt may chinh phục nhiều thị trường lớn

VTV.vn - Với RCEP, cơ hội của ngành dệt may là thị trường lớn, nhưng mức độ cam kết ít khắt khe hơn, yêu cầu cũng dễ chịu hơn so với EVFTA hay CPTPP.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước